Bà Ngô Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt cho biết: Hiện còn gần 800 cá thể gấu vẫn đang bị nuôi nhốt tại các gia đình trên khắp cả nước, việc giải cứu gấu khỏi các khu nuôi nhốt tư nhân hiện nay được ví như cuộc chay đua với thời gian. Thực tế chứng minh, việc nuôi gấu lấy mật khiến chúng chết dần, chết mòn và sống đau đớn trong các khu chuồng sắt chật hẹp. Những con gấu được cứu hộ từ hoạt động buôn bán, nuôi nhốt trái phép thì tàn tật, kiệt sức, ốm đau. Đa số các cá thể gấu khi được cứu hộ về trung tâm đều trong tình trạng sức khỏe rất yếu, răng vỡ, chân tay nứt nẻ, thừa cân do bị nhốt nhiều năm trong cũi sắt. Thậm chí có những cá thể gấu bị mù mắt, cụt chi và phải cắt bỏ túi mật.
Mỗi con gấu sống ở Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã nước Việt có một cuộc đời, một số phận khác nhau, nhưng tất cả chúng đều có một điểm chung là đã từng là nạn nhân của việc buôn bán động vật trái phép, bị nuôi nhốt, hút mật. Điển hình như chú gấu ngựa Hai Chân (tên gọi do các nhân viên cứu hộ tại Trung tâm đặt cho) được giải thoát khỏi 1 trại nuôi gấu lấy mật ở phường Ninh Phong, TP. Ninh Bình. Chú gấu được đưa về cách đây không lâu trong tình trạng sức khỏe yếu, béo phì, gan mật bị ảnh hưởng, bị mất 2 chi trước-có thể do bị sập bẫy hoặc bị cắt để phục vụ nhu cầu về súp tay gấu, rượu tay gấu.
Chị Quách Thị Lành, là 1 trong 7 nhân viên dân tộc Mường, chăm sóc gấu tại Trung tâm chia sẻ: “Chúng tôi phải dành nhiều thời gian để kiểm tra, theo dõi sức khỏe cho từng chú gấu và có phương pháp điều trị riêng. Sau đó, gấu được chuyển sang các khu nhà có trang bị các đồ làm giàu môi trường như võng, giường, ống giấu thức ăn để gấu thích nghi dần với môi trường rộng hơn cũi và bắt đầu phục hồi các chức năng. Sau khi ở nhà gấu từ 1 đến 2 tuần, gấu sẽ được cho ra khu bán hoang dã. Ở khu này, chúng tôi cũng cố gắng giữ lại nguyên vẹn địa hình, các cây xanh đã có ban đầu, với các quả đồi nhỏ, tạo độ dốc cho gấu vận động và dần phục hồi được bản năng tự nhiên”.
Tại Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt, gấu sẽ được chăm sóc theo các tiêu chuẩn chăm sóc và phúc lợi động vật cao nhất của quốc tế, phục hồi sức khỏe và phục hồi tập tính tự nhiên trong môi trường bán hoang dã được tạo ra trong cơ sở bảo tồn. Khi các điều kiện môi trường tự nhiên cho phép và đồng thời có những cá thể gấu phù hợp, trung tâm sẽ tiến hành tái thả gấu về môi trường tự nhiên.
Nhằm mục đích nâng cao ý thức bảo vệ loài gấu trước tình trạng tuyệt chủng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, từ thăng 3/2019, Trung tâm đã mở cửa thăm quan miễn phí cho du khách đến trực tiếp trải nghiệm khu sinh sống tự nhiên của loài gấu. Tại khuôn viên bán hoang dã rộng hơn 22.000m2, du khách được tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của gấu và công việc của những người chăm sóc gấu, các chương trình giáo dục trải nghiệm như “Hướng dẫn bé làm đồ ăn cho gấu”, “Em biết gì về gấu”,…được thiết kế theo yêu cầu, phù hợp với lứa tuổi.
Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt đã thật sự trở thành “ngôi nhà” an toàn cho loài gấu trên khắp cả nước. “Chúng tôi mong muốn tạo ra môi trường để giúp loài gấu gần gũi với thiên nhiên. Đây sẽ là nơi chúng được sống, được bảo vệ và phục hồi khỏi những tổn thương sau thời gian dài. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền với người dân, phối hợp với chính quyền địa phương trong công cuộc giải cứu, đưa gấu về với “mái nhà” chung”, bà Ngô Thị Mai Hương nhấn mạnh.
NGHĨA HIỆP