Từ khi còn bé, hình ảnh người mẹ ngồi bên khung cửi đưa thoi đã in sâu vào tâm thức của chị. Lớn lên cùng những tiếng thoi đưa lách cách và những lời chỉ dạy, hướng dẫn của mẹ về cách luồn sợi dệt vải, cách in hoa văn họa tiết, chị tự mày mò vẽ lên giấy những hoa văn phức tạp theo trí tượng tưởng của mình.
Nhờ sự chăm chỉ và năng khiếu sáng tạo, năm 16 tuổi, cô gái Phù Thị Thiên đã dệt thành thạo các loại hoa văn tinh tế, bắt mắt mang hình chữ thập, quả trám, hình con vật...
Yêu thích nghề dệt nhưng thời điểm đó, Phù Thị Thiên chỉ làm để phục vụ trong gia đình chứ chưa nghĩ đến việc mang sản phẩm của mình đi bán. Những năm 2001-2002, khi xuống Thái Nguyên theo học tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, cuộc sống xa nhà với bao khoản chi phí sinh hoạt khiến cô sinh viên người Pà Thẻn phải sống trong cảnh chật vật, thậm chí không có tiền đóng học phí. Với quyết tâm bằng mọi giá khắc phục khó khăn để có được tấm bằng ra trường, cô sinh viên Phù Thị Thiên đã mạnh dạn mang 2 bộ váy áo Pà Thẻn do mình tự dệt, may mang đi bán. Thật không ngờ, chị bán được hàng với mức giá khá cao (800 ngàn đồng/bộ), đủ tiền đóng học phí. Từ đó, cứ có thời gian rảnh rỗi là chị lại cặm cụi bên khung dệt vải, khâu vá, thêu thùa làm ra từng bộ trang phục dân tộc để bán.
Trong 3 năm học, cô nữ sinh người Pà Thẻn đã tự dệt, thêu và bán được 12 bộ váy áo dân tộc với tổng giá trị hơn 10 triệu đồng. Số tiền này đã giúp chị trang trải học phí và cuộc sống để tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại khá. Cũng từ đây, khách du lịch biết đến nhiều hơn trang phục truyền thống của người Pà Thẻn.
Sau khi tốt nghiệp ra trường, Phù Thị Thiên trở về địa phương tham gia vào công tác đoàn thể, chị trở thành cán bộ Ủy ban MTTQ huyện Quang Bình. Năm 2008, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến công tỉnh, chị đã mạnh dạn vận động, tập hợp một nhóm chị em có tay nghề dệt thổ cẩm trong thôn, thành lập HTX dệt thổ cẩm truyền thống My Bắc tại xã Tân Bắc. Khi mới thành lập, HTX đã tổ chức đào tạo nghề dệt cho hơn 30 học viên là các chị em phụ nữ trong các bản làng. Ngoài thời gian đi lên nương, lên rẫy, những lúc nhàn rỗi, các chị tập trung dệt thổ cẩm vừa để giữ nghề truyền thống, vừa có thêm nguồn thu nhập.
Chị Thiên cho biết, du khách nước ngoài rất thích mua những bộ trang phục của dân tộc Pà Thẻn. Sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX đã được mời tham dự nhiều cuộc triển lãm nghề dệt thổ cẩm tại TP. Hà Giang và các tỉnh, thành như: Thái Nguyên (2004); Hà Nội (năm 2015)… Đến nay, các sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX ngày càng đa dạng, phong phú như: khăn đội đầu, trang phục dân tộc, chăn thêu, mặt gối, túi thêu đựng điện thoại… Mỗi bộ trang phục truyền thống dân tộc Pà Thẻn có giá trung bình từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/bộ. Những bộ được chạm, gắn bạc có giá khoảng 2-3 triệu đồng/bộ.
Hiện nay, HTX dệt thổ cẩm My Bắc đã nhận được đơn đặt hàng của một số doanh nghiệp trong nước. Sản phẩm không chỉ cung ứng tốt cho khách tại chỗ mà có khả năng làm theo các đơn hàng lớn. Tuy nhiên, theo chị Phù Thị Thiên, để có đầu ra ổn định cho sản phẩm truyền thống vẫn là điều mơ ước không chỉ của riêng chị mà còn của nhiều đồng bào dân tộc nơi đây.
HỒNG MINH