Triển khai Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, ngày 18/10, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 281-KH/TU thực hiện công tác này.
Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền luôn chú trọng công tác nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác phát triển nhà ở xã hội, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quỳ Châu là một trong những huyện nghèo thuộc Dự án hỗ trợ nhà ở tại tỉnh Nghệ An. Nhiều hội viên nông dân và người dân trên địa bàn huyện còn khó khăn, chưa có nhà kiên cố để ở. Để chia sẻ, hỗ trợ các hộ dân này, huyện đã vận động và nhận được sự chung tay giúp đỡ của nhiều cấp, ngành, các nhà hảo tâm.
Điển hình trong số các hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở tại huyện Quỳ Châu là hộ ông Trương Văn Cáng, 59 tuổi, trú tại bản Đôm, xã Châu Phong. Ông là người khuyết tật nặng, lại đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi, thuộc diện hộ nghèo. Giữa năm 2023, nhà ông bị chập điện cháy toàn bộ ngôi nhà và tài sản. Không thể tự xây lại nhà ở, gia đình ông đã được các nhà hảo tâm và huyện Quỳ Châu hỗ trợ 70 triệu đồng và xây tặng một ngôi nhà kiên cố với sự giúp sức của người dân bản.
Theo số liệu thống kê, tính đến đầu năm 2023, tỉnh Nghệ An còn hơn 55.000 hộ nghèo, hơn 53.000 hộ cận nghèo; trong đó, có 15.300 hộ đang gặp khó khăn về nhà ở. Phần lớn, các hộ dân gặp khó khăn về nhà ở sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, bãi ngang, vùng thường xuyên bị lũ quét, lũ ống… nên ít có khả năng tự sửa chữa, xây mới nhà ở kiên cố.
Hưởng ứng Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn Nghệ An (Chương trình 1838), đặc biệt với 6 huyện biên giới: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, từ năm 2023 đến nay, ngành Công an vận động là 3.820 căn, tương đương 191 tỷ đồng, chiếm gần 30% trên tổng số đăng ký của tỉnh. Công an tỉnh Nghệ An là đơn vị tiên phong, dẫn đầu trong triển khai thực hiện Chương trình 1838, sau 2 đợt triển khai đã bàn giao, đưa vào sử dụng 3.553 căn nhà lắp ghép trong năm 2023.
Triển khai Chương trình Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, từ đầu năm 2024 đến nay, Nghệ An đã hỗ trợ xây mới 1.306 căn nhà cho 838 hộ nghèo, 198 hộ cận nghèo; sửa chữa 710 căn nhà cho 599 hộ nghèo và 111 hộ cận nghèo.
Bà Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, cho biết: Phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” của tỉnh Nghệ An thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời động viên, khích lệ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là các đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, củng cố niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh toàn dân tộc.
Phong trào này cũng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở.
Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều; tạo tiền đề tập trung thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, giai đoạn 2020-2025.
Để đạt được mục tiêu trên, Nghệ An sẽ huy động, vận động các nguồn lực của Nhà nước, xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Trong đó, nguồn lực Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng với nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở. Dự kiến để hoàn thành Chương trình trong năm 2025, tỉnh Nghệ An cần vận động hỗ trợ từ các nguồn lực với tổng số tiền hơn 220 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) chiếm vai trò chủ đạo.
Việc xây mới hoặc sửa chữa nhà ở cho các hộ dân phải đảm bảo an toàn, có chất lượng, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện, đặc điểm, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc, các vùng miền và đúng đối tượng thụ hưởng.
Theo đó, Nghệ An phấn đấu đấu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Rà soát nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, để phát triển nhà ở xã hội phù hợp nhu cầu thực tiễn và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao tại Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo tốt về nhà ở. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An Đoàn Hồng Vũ, cho biết: Dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở hiện có đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên. Có thể khẳng định, dự án này đã góp phần hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh chống chịu tác động của thiên tai, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo kế hoạch, tỉnh Nghệ An sẽ triển khai đồng thời ba chương trình lớn: Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; hỗ trợ nhà ở theo các chương trình MTQG, và xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân. Đặc biệt, những hộ gia đình có công sẽ được ưu tiên sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để hoàn thiện nhà ở.