Là xã biên giới khó khăn nên trong quá trình xây dựng NTM, chính quyền xã Thanh Thủy đã bám sát cơ sở, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, tích cực vận dụng các cơ chế chính sách một cách linh hoạt sáng tạo và thu hút các dự án hỗ trợ, kết hợp nguồn lực huy động từ Nhân dân; tổ chức lồng ghép các nguồn lực để thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.
Theo đó, tổng nguồn kinh phí từ Chương trình MTQG xây dựng NTM của xã là 95,3 tỷ đồng, trong đó Nhân dân và con em quê hương đóng góp hơn 19,9 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, xã đã triển khai đầu tư làm mới, mở rộng, kiên cố các tuyến đường giao thông.
Trong đó, người dân đã tham gia tự giải phóng mặt bằng, hiến hàng ngàn mét đất và tháo dỡ hàng trăm mét tường rào cùng tài sản trên đất, trị giá hàng tỷ đồng. Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn xã đã có 18,05/18,05km đường xã được nhựa hóa và bê tông hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 19/19km đường thôn và đường liên thôn được cứng hóa; đường ngõ xóm sạch và đảm bảo đi lại thuận tiện.
Đặc biệt, để đạt tiêu chí thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo, trong thời gian qua, xã Thanh Thủy đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phương thức sản xuất, mạnh dạn đưa vào gieo trồng các loại giống mới.
Cùng với đó, khuyến khích người dân chuyển đổi ruộng đất, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất vừa dễ bảo quản và chăm sóc cây trồng, vật nuôi; đầu tư làm trang trại, gia trại, nuôi thả gia súc, gia cầm, xây dựng các mô hình sản xuất tập trung…, qua đó góp phần nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, giảm ngày công, tăng hiệu quả và giảm thất thoát sau thu hoạch.
Tạo điều kiện duy trì và phát triển các mô hình kinh tế như: cơ sở chế biến chè búp, sản xuất gạch không nung, xưởng cán tôn, nhiều tổ thợ xây, thợ hàn, ốt bán hàng tạp hóa, sửa chữa các loại xe máy, máy xay, dịch vụ xe taxi, xe tải đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cho Nhân dân.
Một số ngành, nghề phát triển khác như: Cơ khí nhỏ phục vụ nông nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, trồng hoa cây cảnh... cũng đang hoạt động hiệu quả, đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân nông thôn.
Bên cạnh đó, UBND xã đã phối hợp với đơn vị cấp chứng chỉ rừng FSC huyện Thanh Chương tổ chức thực hiện cấp chứng chỉ rừng FSC cho 236 hộ có rừng trên địa bàn xã, với tổng diện tích hơn 1.587ha.
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa và nếp sống văn hóa được phát triển, đáng chú ý là việc huy động nhiều nguồn lực trong đó chủ yếu là từ Nhân dân và con em xa quê quyên góp đầu tư nâng cấp các nhà văn hoá thôn với nguồn kinh phí hàng trăm triệu đồng. Công tác giáo dục, y tế tiếp tục được quan tâm và phát triển; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao…
Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 48,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1.98%.
Với những kết quả đạt được, xã Thanh Thủy đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2023, sớm hơn so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã 1 năm. Đây không chỉ là niềm vui, tự hào của địa phương, mà còn là động lực để cổ vũ Nhân dân trong toàn xã tích cực hưởng ứng phong trào này.