Hòa nhập kinh tế thị trường
Bản Văng Môn, xã Nga My (huyện Tương Dương) nằm sát bên Quốc lộ 48C. Đây là nơi sinh sống tập trung đông nhất của dân tộc Ơ Đu trên địa bàn huyện Tương Dương, với 107 hộ, 455 nhân khẩu. Tận dụng lợi thế giao thương đó, nhiều hộ ở Văng Môn đã chuyển sang buôn bán để phát triển kinh tế gia đình.
Gia đình chị Lo Thị Nga là hộ đầu tiên mở cửa hàng tạp hóa, bán các mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm, đồ gia dụng ở bản Văng Môn. Công việc kinh doanh cửa hàng tạp hóa đã giúp gia đình chị Nga có thu nhập ổn định.
“Ngoài cửa hàng tạp hóa, gia đình còn mở trang trại chăn nuôi lợn. Mỗi năm nuôi khoảng 50 con lợn thịt, cứ 3 đến 5 tháng lại xuất chuồng một lần; trừ đi các khoản chi phí thì trại lợn cũng cho thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng”, chị Nga chia sẻ.
Đáng chú ý là, không chờ đến khi chuyển về tái định cư tại bản Văng Môn (năm 2006), chị Nga mới có “máu” buôn bán. Ngay từ khi còn ở tít sâu trong rừng thuộc bản Kim Hòa, xã Kim Đa (huyện Tương Dương), gia đình chị cũng mở cửa hàng tạp hóa.
Đồng bào dân tộc Ơ Đu sinh sống tại nhiều xã trên địa bàn huyện Tương Dương. Toàn huyện hiện có 17/146 bản, làng thuộc 9/17 xã, thị trấn có đồng bào Ơ Đu sinh sống, với 135 hộ, 383 khẩu. Tại xã Nga My, đồng bào Ơ Đu sinh sống ở 4 bản là Văng Môn, Pột, Bay và Xốp Kho, với 112 hộ.
“Ngày đó, đi lại khó khăn, ra vào bản phải đi đường sông nên gia đình chỉ bán các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, nên thu nhập cũng chẳng có nhiều”, chị Nga cho biết.
Trước đây, đồng bào dân tộc Ơ Đu ở Nghệ An chủ yếu sinh sống tập trung ở hai bản Xốp Pột và Kim Hòa. Đây là những địa bàn vùng sâu, vùng xa của xã Kim Đa (huyện Tương Dương).
Sinh sống giữa đại ngàn, thu nhập của đồng bào chủ yếu từ nương rẫy và một phần ruộng nước, canh tác theo cách phát, đốt, gieo hạt. Do đó, với những “doanh nhân” như chị Lo Thị Nga có thể xem là một hiện tượng thú vị.
Sau khi ra tái định cư tái bản Văng Môn, tinh thần khởi sự kinh doanh của chị Lo Thị Nga càng có đất diễn; đồng thời cũng khuyến khích các hộ khác chuyển đổi sang buôn bán, kinh doanh để phát triển kinh tế. Hiện cả bản Văng Môn có 6 cửa hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu cho người dân trong bản và các bản lân cận; nhiều hộ đầu tư phát triển chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo.
Dường như, cái “máu” khởi sự kinh doanh là một khả năng tiềm tàng của nhiều hộ dân tộc Ơ Đu. Cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ III năm 2019 cho thấy, Ơ Đu là dân tộc có tỷ lệ vay vốn tín dụng chính sách xã hội cao nhất (60%), cao gấp hơn ba lần so với tỷ lệ chung của 53 DTTS; Si La là dân tộc xếp thứ 2, nhưng tỷ lệ vay vốn cũng chỉ là 47,5%.
Định hướng để giảm nghèo bền vững
Theo bà Vi Thị Mùi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nga My, là một trong những dân tộc có dân số ít nhất Việt Nam nên những năm qua, đồng bào Ơ Đu trên địa bàn xã được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo bằng nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội ở 04 bản có đồng bào dân tộc Ơ Đu sinh sống (Văng Môn, Pột, Bay và Xốp Kho) đã chuyển biến rõ nét.
“Đổi thay lớn nhất là bà con Ơ Đu đã có ý thức làm giàu, biết chú trọng vào phát triển sản xuất với những mô hình kinh tế cho hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng của địa phương”, bà Mùi chia sẻ.
Theo bà Mùi, từ các chương trình, chính sách dân tộc, xã Nga My đã được phân bổ các nguồn vốn để triển khai nhiều dự án nhằm tạo đột phá về giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Ơ Đu.
Hiện 100% gia đình dân tộc Ơ Đu trên địa bàn huyện Tương Dương được sử dụng điện lưới thắp sáng, nước hợp vệ sinh, được cấp thẻ Bảo hiểm y tế;c ác chế độ, chính sách như hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ tiền điện, vay vốn phát triển kinh tế đến người dân Ơ Đu được các cấp chính quyền thực hiện đầy đủ.
Trong đó, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, nhiều hộ dân tộc Ơ Đu đã có điều kiện để phát triển nhiều mô hình sản xuất mới, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Ở bản Văng Môn, theo ông Lo Văn Tình - Bí thư Chi bộ bản, những năm gần đây, bản Văng Môn chú trọng phát triển chăn nuôi.
Để hỗ trợ người dân, năm 2022, Hội Nông dân xã Nga My đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò sinh sản bản Văng Môn với 10 thành viên.
“Mục đích của Tổ hội là nhằm làm thay đổi tư duy trong chăn nuôi, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập; tạo điều kiện kết nối hội viên, giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong chăn nuôi, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững”, ông Tình chia sẻ.
Mong muốn khởi sự kinh doanh, vươn lên làm giàu không chỉ lan tỏa trong quần chúng Nhân dân mà với những đảng viên, viên chức người Ơ Đu, việc có thêm thu nhập từ các mô hình kinh tế đang là ý chí rất mạnh mẽ.
Như chị Lương Thị Lan, Trưởng bản Văng Môn, có chồng là Trưởng trạm Y tế xã nga My. Gia đình chị Lan hiện nuôi 8 con trâu, trồng 1 ha keo, trồng vườn cây ăn quả để nâng cao thu nhập. Và bố chồng của chị Lan, ông Lo Văn Tình - Bí thư Chi bộ bản Văng Môn, dù hiện đã cao tuổi nhưng vẫn chăn nuôi 7 con trâu, bò, nuôi lợn, gà và mở gian hàng tạp hóa nhỏ để ổn định kinh tế...
Thực tế này cho thấy, việc tiếp tục hỗ trợ để thúc đẩy khởi sự kinh doanh, phát triển các mô hình kinh tế theo hướng hàng hóa ở các bản có đồng bào dân tộc Ơ Đu sinh sống là vấn đề cần được tỉnh Nghệ An quan tâm. Cơ sở hạ tầng đã được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ là điều kiện thuận lợi để dồng bào Ơ Đu phát triển sản xuất hàng hóa, ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thị trường.
Ơ Đu là một trong 5 dân tộc ít người nhất cả nước, sinh sống duy nhất ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Năm 2006, đồng bào đã nhường đất để xây dựng Thủy điện Bản Vẽ. Trong 18 năm định cư tại nơi ở mới, đồng bào Ơ Đu đã nỗ lực phát triển kinh tế, phá thế độc canh cây lúa trên nương rẫy, xây dựng bản làng ấm no, khởi sắc và đặc biệt chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa độc đáo, riêng có.