Năm học 2017-2018, xã Trung Đồng tiến hành sát nhập hai đơn vị là Trường Tiểu học Tát Xôm và Trường Tiểu học xã Trung Đồng thành Trường Tiểu học xã Trung Đồng. Cô giáo Nguyễn Thị Huệ trước đây là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tát Xôm, nay là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Trung Đồng, chia sẻ: Bản thân cô cũng như các giáo viên khác luôn ủng hộ việc sát nhập hai đơn vị trường học này, cho dù cô không giữ chức hiệu trưởng như trước.
“Với một đơn vị trường mới sát nhập, đội ngũ giáo viên, nhân viên đông, bản thân tôi cũng phải gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc, luôn luôn tạo sự đoàn kết trong đơn vị trường, để làm gương cho các thầy cô khác cùng học tập và noi theo, để phấn đấu vì mục tiêu chung”, cô Huệ tâm sự.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ thêm: Sau khi sát nhập, địa bàn quản lý của trường rất rộng, số lượng học sinh đông. Để bảo đảm nhiệm vụ dạy và học, Ban Giám hiệu nhà trường đã bàn bạc, thống nhất triển khai rà soát lại toàn bộ đội ngũ giáo viên hiện có của trường; phân công sắp xếp từng người vào từng điểm trường, từng lớp cho phù hợp với năng lực, sở trường; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thông qua các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; tiếp thu, giải quyết kịp thời các đề xuất, nguyện vọng chính đáng của các thầy, cô để họ yên tâm công tác; tăng cường tổ chức các hoạt động ngoài giờ, vừa là rèn kỹ năng sống cho học sinh, vừa nâng cao tỷ lệ chuyên cần của học sinh, để đảm bảo chất lượng dạy học…
“Đặc biệt trong công tác chỉ đạo của Ban Giám hiệu, chúng tôi luôn đặt mục tiêu phải đoàn kết, thống nhất lên hàng đầu. Nhận thức của Ban Giám hiệu về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là phải đầy đủ và thông suốt, bảo đảm công tác chỉ đạo được tốt hơn, từ đó mới có thể nâng cao được chất lượng dạy học”, cô Phương nhấn mạnh.
Theo lộ trình phải đến năm 2030, huyện Tân Uyên mới phải hoàn thành việc sát nhập các đơn vị trường. Tuy nhiên, chỉ trong năm học 2018-2019, huyện Tân Uyên đã tập trung rà soát các trường học và hoàn thành việc sát nhập, về đích sớm hơn 10 năm so với mục tiêu đề ra. Từ 49 đơn vị trường năm 2015, đến thời điểm này đã giảm xuống chỉ còn 32 đơn vị.
Việc sát nhập trường học giảm được 21 cán bộ quản lý xuống làm giáo viên, 10 hiệu trưởng xuống làm phó hiệu trưởng. Đây là tiền đề thuận lợi để sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học; điều chỉnh lại các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, gắn với lộ trình xây dựng các xã, huyện đạt NTM vào năm 2020.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đạo tạo huyện Tân Uyên cho biết: Ngay khi có văn bản của Trung ương và tỉnh Lai Châu về việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là các đơn vị trường học, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện triển khai nội dung các văn bản đến tất cả các trường học. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng tới người dân tạo sự đồng thuận, nhất trí cao.
“Riêng đối với vấn đề đội ngũ cán bộ quản lý chúng tôi ban hành một bộ tiêu chí. Trong bộ tiêu chí này, ngoài yêu cầu bằng cấp về chuyên môn, về chính trị; các loại văn bằng chứng chỉ; xếp loại..., còn ưu tiên đến các trường hợp đã từng công tác ở địa bàn đặc biệt khó khăn. Đến thời điểm này, các đồng chí đủ tiêu chí được bổ nhiệm làm hiệu trưởng cơ bản đều rất xứng đáng; các đồng chí từ hiệu trưởng xuống làm hiệu phó; hiệu phó xuống làm giáo viên cũng rất vui vẻ”, ông Tuấn Anh khẳng định.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cũng như làm tốt Bộ tiêu chí chấm điểm, lựa chọn cán bộ quản lý sau khi sát nhập phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính công bằng, dân chủ mà huyện Tân Uyên trở thành đơn vị dẫn đầu tỉnh Lai Châu trong thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
TRỌNG BẢO