Phát biểu tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn: Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn; sự bất ổn của một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu ảnh hưởng đến niềm tin của người dân trên thế giới đối với hệ thống ngân hàng trong khi các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất và sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa; giá năng lượng thế giới tăng cao…
Trong bối cảnh đó, GDP quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2023.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi. Đóng góp của một số ngành dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I năm 2023 là khá đáng kể như sau: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%, ngành thông tin và truyền thông tăng 1,5%.
Sự phục hồi này thể hiện rõ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh.
Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,57%; 37,08%; 42,06%; 9,29%).
Về sử dụng GDP quý I năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 46,11% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 0,02%, đóng góp 0,14%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,33%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,52%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 53,75%.
Đáng chú ý, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý 1/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước. Đặc biệt, ở một số địa phương có mức tăng khá cao như so với tốc độ tăng GDP như: Hậu Giang tăng 12,67%; Bình Thuận tăng 9,86%; Hải Phòng tăng 9,65%; Khánh Hòa tăng 9,07%...
Một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm có tốc độ tăng GRDP ở mức thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm: Bình Dương tăng 1,15%; TP. Hồ Chí Minh tăng 0,7%; Quảng Ngãi giảm 1,07%; Vĩnh Phúc giảm 2,47%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 4,75%; Quảng Nam giảm 10,88%; Bắc Ninh giảm 11,85%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính chung quý I năm 2023, cả nước có 57.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 1 tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 60.200 doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 1 tháng có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Về xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ trong quý I, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu hàng hóa quý I ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước; giá vàng tháng 3 giảm 0,56% so với tháng trước; giá USD tăng 0,47% so với tháng trước.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đánh giá, bước sang quý II năm 2023, kinh tế - xã hội dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, bà Hương cho rằng cần thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cũng như có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ...
Cùng với đó cần triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, các chương trình xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch; các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, khai thác hiệu quả các Hiệp định tự do (FTA) đã ký kết, điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao.
Ngoài ra, cần quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ...
Đồng thời, bà Hương cũng nhấn mạnh cần phải tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo tác động của hạn hán nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.