Các đại biểu đặt ra vấn đề này khi thảo luận trong phiên họp về Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, ngày 9/1.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và gợi mở thảo luận của người chủ trì phiên họp - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình khoa học và Công nghệ quốc gia, các thành viên của Ban Chỉ đạo đã thảo luận nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công tác này trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, đại biểu đại diện các Bộ: KH&CN, Y tế, NN&PTNT, Quốc phòng… đều đồng tình với báo cáo của Bộ KH&CN và thống nhất nhận định trong điều kiện ngân sách, cơ chế tài chính… còn nhiều vướng mắc, nhưng 3 chương trình: Phát triển sản phẩm quốc gia, phát triển công nghệ cao và đổi mới công nghệ quốc gia đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận về cơ chế, chính sách và sản phẩm.
Cụ thể là, cơ chế của chúng ta cơ bản đã phủ tất cả các khâu và thực tế cho thấy, chúng ta đã thu hút được hơn 150 đơn vị tham gia thực hiện các nhiệm vụ, các doanh nghiệp đã cam kết đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng (tính đến hết tháng 12/2018). Đáng phấn khởi là, sau khi nhiệm vụ kết thúc, các doanh nghiệp này có mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 18,8%, cá biệt có một số doanh nghiệp quy mô nhỏ tăng trưởng tới 50%; thị phần của các sản phẩm trên thị trường trong nước cũng tăng đáng kể, năm 2018 là 20%, dự kiến sẽ đạt 34,7% trong 5 năm tới…
Ví như, trong điều trị, lần đầu tiên chúng ta đã nghiên cứu và làm chủ được quy trình sản xuất trong nước thuốc Pegcyte dùng trong điều trị giảm bạch cầu, hỗ trợ bệnh nhân điều trị ung thư; nghiên cứu làm chủ công nghệ và sản xuất stent động mạnh vành đạt tiêu chuẩn CE (châu Âu) với giá thành rẻ hơn các sản phẩm hiện có trên thị trường 50%; trong sản xuất công nghiệp đã làm chủ công nghệ chế tạo robot 5 bậc tự do; trong nông nghiệp, chúng ta đã tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc trong sản xuất; định hướng theo các sản phẩm chủ lực (lúa gạo, rau, hoa quả, nấm ăn, nấm dược liệu, cà phê, cá da trơn, tôm, sâm) nhằm tạo ra sản phẩm theo chuỗi từ khâu giống, đến công nghệ bảo quản, chế biến và thương hiệu sản phẩm quốc gia…
Khẳng định cần tiếp tục triển khai các chương trình trên trong thời gian tới, Phó Thủ tướng và các đại biểu cũng nêu ra những tồn tại, khó khăn cần khắc phục và thống nhất cho rằng: Trước hết phải kiên trì tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế tài chính theo hướng đầu tư cho khoa học, công nghệ phải chấp nhận rủi ro. Nhất là, trong điều kiện ngân sách chưa đáp ứng được nhu cầu, việc triển khai các nhiệm vụ phải “liệu cơm gắp mắm”, tập trung vào những sản phẩm Việt Nam có lợi thế (sức khỏe, nông nghiệp, IT…) để phát triển, thà đặt mục tiêu vừa sức để làm còn hơn là “vẽ ra các viễn cảnh đẹp” nhưng không có khả năng vật chất để thực hiện.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế đồng bộ để kết nối giữa 3 chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; phát triển công nghệ cao; đổi mới công nghệ quốc gia với các chương trình ưu đãi về vốn, tiếp cận tín dụng ngân hàng, các quỹ phát triển,… Nhất là ưu đãi về thuế, bởi hiện nay chúng ta chưa có cơ chế về thuế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ.
Đặc biệt, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm quốc gia, sản phẩm công nghệ cao thâm nhập thị trường trong nước và bảo vệ, quảng bá thương hiệu ra nước ngoài được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu thảo luận sôi nổi.
Nước nào cũng vậy thôi, nói đến Hàn Quốc là thế giới biết đến Samsung hay nói đến Nhật Bản là công chúng toàn cầu nghĩ đến ô tô, hàng điện tử, gần đây là robot… Các nước đều có chương trình để tôn vinh các sản phẩm quốc gia. Hiện chúng ta đã làm được ô tô, vậy nếu xe Việt Nam đạt tiêu chuẩn sản phẩm quốc gia, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương có mua để phục vụ các lãnh đạo không? Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nêu vấn đề.
Chia sẻ quan điểm trên, ý kiến của các đại biểu thống nhất cho rằng bài toán lớn nhất của các doanh nghiệp lớn đầu tư vào khoa học công nghệ, tạo ra các sản phầm quốc gia là “làm gì để sản phẩm quốc gia thâm nhập vào thị trường?”. Theo đó Nhà nước phải có chính sách để doanh nghiệp thâm nhập thị trường trong nước và hỗ trợ quảng bá, bảo vệ thương hiệu cho họ vươn ra thị trường khu vực và thế giới. Đây là vấn đề có tính quyết định.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh cần đổi mới cách làm, Bộ KH&CN cần “định nghĩa lại”, làm rõ tiêu chí sản phẩm quốc gia, trong đó phải cụ thể được tiêu chí hàm lượng tri thức của người Việt trong sản phẩm. Đây không phải là cơ chế giải thưởng mà là tiêu chí danh giá về trí tuệ Việt, có như vậy “sản phẩm quốc gia” mới trở thành tài sản quốc gia, niềm tự hào dân tộc và cả Nhà nước, doanh nghiệp cũng như mỗi người dân Việt Nam đều phải chung tay tôn vinh, bảo vệ./.
THEO CỔNG TT CHÍNH PHỦ