Từ xa xưa, người Mông ở Hang Kia và Pà Cò có tục bắt vợ mỗi khi mùa Xuân về. Nhiều cô gái mới ở độ tuổi 13 - 14 đã được “bắt” về nhà chồng để lo việc nương rẫy, chăm chồng, chăm con. Đơn cử như trường hợp em S.Y.T (sinh năm 2008) mới 12 tuổi đã kết hôn với T.A.N (sinh năm 2006) ở xóm Xà Lĩnh 1, xã Pà Cò. S.Y.T chia sẻ: “Em và anh T.A.N vẫn còn đi học, nhưng chúng em đã tìm hiểu và hai đứa thấy ưng nhau nên quyết định lấy nhau. Vào ngày Tết cổ truyền của dân tộc, chồng em đã bắt em về làm vợ. Sau đó, chúng em được bố mẹ tổ chức làm đám cưới vào ngày 25/3/2020”.
Hiện nay, tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò. Trong quý I/2020, xã Pà Cò có 4 cặp vợ chồng tảo hôn, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Xã Hang Kia có 12 cặp, giảm 2 cặp so với cùng kỳ.
Ông Khà A Váu, Chủ tịch UBND xã Hang Kia cho biết: Thời gian qua, tảo hôn là vấn đề nhức nhối mà cấp ủy, chính quyền xã Hang Kia đang tập trung giải quyết. Thực hiện Nghị quyết số 03 của Huyện ủy Mai Châu, xã đã cụ thể hóa bằng nghị quyết chuyên đề về phòng, chống tệ nạn tảo hôn. Đảng ủy xã đã nghiêm túc thi hành kỷ luật đối với những đảng viên có con tảo hôn. UBND xã xử phạt hành chính những trường hợp tảo hôn.
Bên cạnh đó, tại các xóm, các dòng họ đã xây dựng quy ước, hương ước về phòng, chống tảo hôn. Đội ngũ cộng tác viên dân số thường xuyên rà soát, thống kê số lượng trẻ ở độ tuổi vị thành niên tại địa bàn phụ trách để tuyên truyền, vận động các em không tảo hôn. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với trường học tổ chức ngoại khóa tuyên truyền về tảo hôn… Tuy vậy, kết quả chưa đạt được như mong muốn, hầu như năm nào trên địa bàn xã cũng có trường hợp tảo hôn.
Thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền 2 xã Hang Kia, Pà Cò cần tiếp tục thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hướng tới xóa bỏ hoàn toàn hủ tục lấy vợ sớm, tảo hôn của người Mông. Nếu không loại bỏ được nạn tảo hôn thì thế hệ trẻ người Mông nơi đây sẽ không thoát ra được vòng luẩn quẩn: tảo hôn - bỏ học - đói nghèo.