Lấy chồng từ thủa 15Đến xã Đăk R’măng sẽ dễ dàng bắt gặp rất nhiều bà mẹ khuôn mặt còn non nớt tuổi đời, đã phải làm và lo toan những việc người lớn phải làm.
Hai tháng nay, gia đình ông Giàng A Nhà ở thôn 7 xáo trộn hơn khi đón Phào Thị Dung, 16 tuổi về làm dâu. Dung là một cô bé dễ thương, cởi mở, miệng luôn nở nụ cười khi nói chuyện. Thế nhưng khi hỏi vì sao lấy chồng sớm, giọng em bắt đầu trầm hẳn, nét đượm buồn hiện rõ trong đôi mắt.
Theo lời em kể, em nghỉ học giữa chừng và một năm sau thì quen Giàng A Hồng và hai người quyết định làm đám cưới. Hai tháng về nhà chồng, Dung ngày càng nhận ra trách nhiệm làm con dâu, làm vợ không phải đơn giản như suy nghĩ ban đầu.
Em tâm sự: “Thấy các bạn bằng tuổi mình xách cặp đi học trong khi mình phải vác cuốc lên nương, phải lo liệu mọi việc nhà chồng nên em thấy rất tiếc nuối. Cũng vì lấy chồng sớm nên khi về nhà chồng em chưa kịp hiểu hết những gì mình phải làm, nhiều khi không biết mình phải làm như thế nào. Lấy chồng rồi phải làm nhiều, suy nghĩ nhiều chứ không còn vô tư, thoải mái vui chơi như ở nhà với bố mẹ nữa. Em và chồng chủ yếu là làm nương rẫy nhưng thu nhập cũng không là bao. Bây giờ đã vất vả, không biết đến khi có con thì sẽ như thế nào nữa”.
Trường hợp của em Lù Thị Chợ ở cụm 9 cũng là một ví dụ. Em lấy chồng năm 2012, lúc mới chớm 15 tuổi và chồng em vừa bước vào tuổi 16. Điều đáng nói, đến nay em chuẩn bị sinh con thứ 2. Chính vì vậy, cuộc sống dường như trở thành một gánh nặng đối với cả hai đứa trẻ phải làm mẹ làm bố. Từ ngày sinh con, sức khỏe của Chợ cũng yếu đi nhiều. Gương mặt non trẻ ngày nào của em giờ lúc nào cũng lấm lem, kham khổ và già nua hẳn so với tuổi.
Biết tảo hôn nhưng vẫn lấyTình trạng tảo hôn không phải là hiếm mà diễn ra rất phổ biến ở xã Đăk R’măng, tập trung chủ yếu ở vùng người Mông. Theo anh Giàng A Vư, cộng tác viên dân số lâu năm ở thôn 7 thì, có khoảng 30% các cặp vợ chồng trẻ trong thôn là kết hôn không đúng độ tuổi. Cũng có người biết kết hôn chưa đủ tuổi là vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, nhưng vẫn tổ chức đám cưới cho con và giải thích là do phong tục.
Gia đình ông Cư A Sử ở thôn 7 có 6 người con và ông đã lo xong chuyện “dựng vợ gả chồng” cho các con. Con gái lớn của ông là Cư Thị Pla về nhà chồng cách đây khoảng 6 năm khi mới 15 tuổi. Đến nay, Thị Pla cũng đã có đến 5 người con. Không chỉ vậy, hai người con dâu của ông Sử cũng kết hôn khi mới 15 và 16 tuổi. Khi được hỏi thì các con dâu của ông hầu như không biết độ tuổi quy định được kết hôn.
Ông Sử cho biết: “Tôi biết là các con chưa đủ tuổi kết hôn nhưng chúng nó thích nhau đòi cưới thì làm cho chúng nó thôi. Với lại riêng người Mông cứ thích là cưới thôi. Cũng vì chưa đủ tuổi nên hầu hết các con chưa có giấy đăng ký kết hôn, các cháu sinh ra cũng chưa làm được giấy khai sinh”.
Theo anh Ngân Văn Toàn, cán bộ chuyên trách công tác dân số xã, hầu hết những cặp chưa đủ tuổi kết hôn tự về ở với nhau. Một số khác thì làm đám cưới nhưng không đăng ký. Hiện tại toàn xã có 12 cộng tác viên dân số trong khi địa bàn rộng, dân ở thưa thớt nên rất khó khăn trong công tác tuyên truyền. Cùng với đó, phong tục tảo hôn vẫn in sâu trong tiềm thức nhiều hộ dân nên rất khó để thay đổi.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, một năm trở lại đây, toàn xã có 12 trường hợp báo kết hôn chưa đủ độ tuổi. Điều đáng nói, vì kết hôn chưa đủ tuổi nên hầu hết các em gái rất thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhiều cặp vợ chồng sinh con liên tục khi cơ thể người vợ chưa phát triển hoàn thiện, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Cũng có không ít cặp lấy nhau do bồng bột nên chỉ cần có chút khúc mắc, khó khăn trong cuộc sống là đòi chia tay nhau. Đặc biệt, việc những đứa trẻ sinh ra chưa được làm giấy khai sinh, đã ảnh hưởng đến quyền lợi như tiêm chủng, uống vitamin A…
Thực tế cho thấy, nạn tảo hôn đang gây ra bao hệ lụy, vì vậy, sự vào cuộc của các ban, ngành trong việc cần đa dạng hóa hơn nữa các hình thức tuyên truyền, thông tin rõ những điều cần thiết để người dân hiểu được tác hại của nạn tảo hôn luôn phải thực hiện thường xuyên, liên tục.
“Tôi cũng biết là các con chưa đủ tuổi kết hôn nhưng chúng nó thích nhau đòi cưới thì làm cho chúng nó thôi. Với lại riêng người Mông cứ thích là cưới thôi. Cũng vì chưa đủ tuổi nên chúng nó chưa có giấy đăng ký kết hôn, bọn trẻ sinh ra cũng chưa làm được giấy khai sinh”.
Ông Cư A Sử
-KHÁNH THƯ-