Thi thì nhiều nhưng...nhớ được bao nhiêu?
Những ngày qua, câu chuyện về cô gái Huỳnh Trần Yến Nhi sau đăng quang Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 đã chiếm sóng mạng xã hội, khiến cái tên này hẳn không còn quá xa lạ với đông đảo công chúng.
Thế nhưng, trái ngược với hình mẫu một người phụ nữ đại diện cho sắc đẹp, tài năng và phẩm chất, Yến Nhi lại gây sốt bởi những phát biểu ngô nghê, “vạ miệng”, và có phần tự đề cao bản thân, làm dấy lên nhiều tranh cãi về văn hóa ứng xử, tri thức của những người được cho là đã được tuyển chọn kỹ càng, “chọn mặt gửi vàng” trong số rất nhiều cô gái tham gia dự thi.
Tuy nhiên, những lùm xùm bủa vây quanh nàng Hậu này lại không phải là duy nhất khi nhắc đến lịch sử của các cuộc thi sắc đẹp đã diễn ra trước đây. Đến nỗi, khán giả còn cho rằng, những câu chuyện “bên lề” chính là một phần không thể thiếu trên các đấu trường này.
Gần nhất trong năm 2022, người hâm mộ không khỏi ngán ngẩm trước hàng loạt những ồn ào xung quanh các cuộc thi nhan sắc: Hoa hậu Hoà bình Việt Nam với phần hô tên được đánh giá là lố lăng, quá đà; những lên án xung quanh việc Top 38 Miss World Việt Nam mặc hở diễu hành, nhảy múa phản cảm trên xe buýt tại Quy Nhơn; “bất ổn” khi cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam đột ngột dừng ghi hình ngay sau vòng sơ khảo; hay tố cáo mua bán giải trong cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam toàn cầu…
Rõ ràng, đó là hậu quả của tình trạng “loạn” các cuộc thi nhan sắc, hay cũng chính là trách nhiệm của ngành quản lý văn hoá trong việc buông lỏng những cuộc thi này, vô hình chung đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến cái nhìn của khán giả về những cuộc thi nghiêm túc và hình ảnh đẹp đẽ, toàn diện của người phụ nữ.
Theo thống kê, tính trong năm 2022, Việt Nam có đến 30 cuộc thi Hoa hậu được tổ chức. Con số này được dự đoán sẽ được tiếp tục duy trì trong năm 2023, khi mà chỉ riêng Công ty Sen Vàng đã đăng cai 4 cuộc thi sắc đẹp: Miss World Việt Nam, Hoa hậu Quốc gia Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình quốc tế.
Đó là chưa kể một loạt cuộc thi Hoa hậu khác: Hoa hậu Sinh thái Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Áo dài Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Miss Peace Vietnam, Hoa hậu Thời đại Việt Nam…
Việc các cuộc thi nhan sắc nở rộ như nấm sau mưa, khiến cho chiếc vương miện Hoa hậu dường như ngày càng giảm đi giá trị. Nhiều người còn nói vui rằng, mỗi tháng lại có thêm vài Hoa hậu, hàng chục Á hậu. Đến nỗi, ngay cả nhiều fan sắc đẹp cũng không thể chỉ mặt, đặt tên đầy đủ cho các danh xưng này, hay đơn giản hơn là nhớ hết được tên các cuộc thi sắc đẹp, vì sự “na ná”, khó phân biệt…
Thậm chí, nhiều người còn lắc đầu ngao ngán, rằng người đẹp tham gia thi sắc đẹp như "chạy sô”, và “chỉ cần ra đường là có thể gặp được Hoa hậu”.
Điều này không chỉ kéo theo cảm giác “bội thực” nhan sắc, mà còn dẫn tới tình trạng khó kiểm soát, khiến công tác tổ chức các cuộc thi còn nhiều “sạn”, thiếu chuyên nghiệp.
Cùng với đó là quá trình đánh giá, tuyển chọn ngôi vị cao nhất không thực sự kỹ càng, chất lượng bỏ ngỏ, dễ cho ra các “sản phẩm lỗi”, đưa đến ngập tràn drama, tranh cãi.
Từ đó gây giảm sút không nhỏ về uy tín, chất lượng, dẫn đến sự hoài nghi, thiếu thiện cảm trong dư luận về ý nghĩa, mục đích của hàng loạt cuộc thi sắc đẹp.
Thắt chặt quản lý
Dĩ nhiên, không thể phủ nhận vai trò của cái đẹp trong cuộc sống, cũng như sự tác động, lan tỏa những thông điệp tích cực, truyền cảm hứng của người nổi tiếng, trong đó có các Hoa hậu. Điều này cho thấy, việc tổ chức nhiều cuộc thi Hoa hậu chưa hẳn là xấu, nếu tất cả các cuộc thi đó đều mang lại những giá trị nhất định cho cộng đồng.
Để làm được điều đó, chiếc vương miện phải thật sự tìm được “chủ nhân” xứng đáng. Đồng nghĩa với việc, các cuộc thi nhan sắc cần chú trọng nhiều hơn đến chất lượng, thay vì chạy theo số lượng ồ ạt như hiện nay, và vấn đề quản lý cũng cần được đặt lên hàng đầu.
Theo PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, bất kỳ cuộc thi sắc đẹp nào cũng cần được tổ chức chỉn chu, tâm huyết. Đó không chỉ là trách nhiệm một cách nghiêm túc của người trong cuộc mà còn là sự thể hiện trong cách tôn trọng khán giả.
Do đó, PGS.TS Lâm Bá Nam cho rằng cần phải siết chặt việc cấp phép, quản lý các cuộc thi sắc đẹp hay người mẫu, đặc biệt là các cuộc thi mang tính chất “cây nhà lá vườn”, quy mô nhỏ.
Theo Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly, thời gian qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã triển khai rà soát quá trình thực hiện Nghị định số 144/2020/NĐ-CP tại một số địa phương là điểm nóng trong hoạt động thi sắc đẹp, từ đó kịp thời yêu cầu xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.
Trong thời gian tới, trên cơ sở tổ chức sơ kết việc thực hiện Nghị định số 144/2020/NÐ-CP trên toàn quốc, sẽ xem xét tham mưu, đề xuất giải pháp sửa đổi hoặc xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn cho phù hợp với tình hình thực tế.
Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng khẳng định, để quản lý tốt hoạt động này đòi hỏi những giải pháp mang tính đồng bộ, tổng thể. Do đó, trước mắt, cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của các cuộc thi sắc đẹp. Đồng thời tăng cường vận động những người đẹp về ý thức đúng đắn về trách nhiệm xã hội của mình để tránh tạo dư luận xấu.