Từ môn học khô khan
Với nhiều người, đặc biệt là các bạn học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, Lịch sử vẫn luôn là một môn học khá khô khan, có phần hơi nhàm chán vì yếu tố quá khứ, sự kiện, các mốc thời gian, cùng cách truyền tải chưa được phong phú, chưa khích lệ được sự mong muốn tìm hiểu của học sinh.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, hầu như năm nào cũng có những bài phản ánh về cách dạy và học môn Lịch sử, giới thiệu những cách tiếp cận mới và nỗ lực thay đổi cái nhìn của mọi người, đặc biệt là các bạn học sinh với môn học này.
Em Nguyễn Thu Thảo, học sinh lớp 9 Trường THCS Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, bản thân em khá thích thú với môn Lịch sử, nhưng lại cảm thấy lượng kiến thức trong sách vở khá nhiều. Đặc biệt khi đến gần các kỳ thi, Thảo vẫn luôn cảm thấy áp lực trong việc ghi nhớ khối lượng kiến thức lớn.
Đến cách tiếp cận mới
Để việc học và tiếp cận đến môn Lịch sử được dễ dàng, rất nhiều phương pháp dạy và học mới ra đời, ví dụ như học sử qua bài hát, học bằng sơ đồ tư duy, học kết hợp tham quan bảo tàng, địa điểm lịch sử hay học qua video…
Về cơ bản những phương pháp này đều hướng đến sự chủ động tìm hiểu của người học, đặc biệt phương pháp nào sử dụng càng nhiều giác quan sẽ càng giúp lưu giữ nhanh và lâu các kiến thức. Khoa học đã chứng minh nếu kết hợp được tai nghe, mắt thấy và tay ghi lại những điều quan trọng, thì khả năng ghi nhớ sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Và sẽ đạt được tối đa khi kết hợp với yếu tố cảm xúc.
Đối với phương pháp tiếp cận qua các video clip trên Youtube (hiện tại đang phổ biến nhất), việc tìm hiểu lịch sử có vẻ như dễ dàng hơn khá nhiều. Phần đông chúng ta đều có xu hướng thích xem hơn là thích đọc, bởi video sống động hơn rất nhiều so với những con số và chữ cái trên các cuốn sách dày cộp.
Hiện nay, trên nền tảng này đã có khá nhiều nhóm làm video về lịch sử đăng tải các sản phẩm của mình lên. Một số cái tên nổi bật bao gồm: Dã Sử (với hơn 80 nghìn người đăng ký theo dõi); EZ Sử (với hơn 33 nghìn đăng ký); Sử lược (với hơn 54 nghìn đăng ký) là những kênh chuyên về tóm tắt lịch sử Việt Nam và thế giới. Bên cạnh đó, có một số kênh làm phim hoạt hình về lịch sử rất thành công như: Miền cổ tích (với hơn 128 nghìn đăng ký); Vạn tích (với hơn 45 nghìn đăng ký) với những bộ phim hoạt hình 2D như: Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân; Giai thoại lịch sử Hai Bà Trưng…
Bạn Vũ Thùy Linh, sinh viên Học viện An ninh Nhân dân cho biết: “Mình rất thích xem các video trên Youtube, có một lần vô tình thấy video: Tóm tắt 4.000 năm lịch sử Việt Nam của kênh EZ Sử với 1,7 triệu lượt xem hiện ra, mình nhấn vào xem thử và thật không ngờ chỉ với khoảng 20 phút ngắn ngủi đó mình có thể nắm được sơ bộ cả một quá trình lịch sử của Việt Nam, điều mà trước giờ mình rất mất thời gian để ghi nhớ”.
Linh chia sẻ thêm, với những hình ảnh trực quan sinh động, nội dung có chọn lọc, âm thanh lồng ghép giàu cảm xúc cùng kỹ xảo không quá cầu kỳ, là những yếu tố giúp cho các video thu hút người xem.
Có rất nhiều bạn giống như Linh, không ai giới thiệu, chỉ vô tình biết đến những video đó nhưng khi đã xem đều rất thích và mong muốn được học nhiều hơn thông qua những video như vậy. Lướt qua phần bình luận của những video về lịch sử này có thể dễ dàng đọc được những lời khen như: Video hay quá, tóm tắt gọn gàng dễ hiểu; Xem rất cuốn hút, dễ nhớ hơn học trên trường …
Mặc dù hiệu quả đem đến là thấy rõ, tuy nhiên phương pháp này vẫn đang chỉ bó hẹp trong không gian Youtube, đồng nghĩa với việc làm tự phát. Nếu các trường học, sở Giáo dục và xa hơn là Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đầu tư, làm thành hệ thống, đưa vào lồng ghép cùng các phương pháp truyền thống, phương pháp tranh luận, tham quan thực tế… thì chắc chắn việc học Lịch sử sẽ thú vị hơn rất nhiều.