8 năm trồng cây chỉ có hoa và láÔng Chảo Láo Sử, ở thôn Phìn Hồ và anh Giàng A Su ở thôn Phìn Hồ Thầu cho biết, sau khoảng 3 năm trồng, những cây lê đầu tiên của gia đình các anh bắt đầu cho quả bói đầu tiên. Thậm chí, năm 2013, có những vườn lê đậu quả tốt và cho thu hoạch đạt năng suất 15-20 tạ/ha, trung bình từ 3-4 quả/kg. Tuy nhiên, từ năm 2014, dù hoa nở nhiều nhưng tỷ lệ đậu quả bị sụt giảm nghiêm trọng. Có nhiều cây gần như không đậu quả. Theo thống kê, tỷ lệ cây sai quả chỉ đạt dưới 1%, số cây cho quả ít đạt gần 6%, còn lại là không có quả.
Đồng cảnh, anh Giàng A Tỉnh, thôn Phìn Hồ Thầu cũng cho biết: năm 2010 được chính quyền địa phương hỗ trợ giống và phân bón để trồng gần 400 cây lê Tai Nung. Nhờ chăm sóc kỹ càng, vườn lê của gia đình anh Tỉnh sinh trưởng và phát triển tốt nhân lên bao hy vọng cho cả gia đình. Theo quy trình kỹ thuật, sau khi trồng từ 4-5 năm, lê sẽ ra hoa và cho quả, thế nhưng, sau 8 năm, toàn bộ diện tích lê của gia đình anh chỉ ra hoa nhưng không đậu quả.
“Hơn 8 năm rồi, gia đình mất rất nhiều công sức để chăm sóc cây lê, cũng hy vọng khi ra quả thì sẽ bán có tiền trang trải cho cuộc sống. Thế nhưng bây giờ, cả vườn lê của mình không có quả. Để thì không biết sau này cây có quả không, mà chặt thì tiếc bao nhiêu công chăm sóc”, anh Tỉnh buồn rầu cho biết.
Cần làm rõ trách nhiệmMặc dù là xã nông thôn mới thuộc TP. Lào Cai, nhưng Tả Phời vẫn còn nhiều thôn khó khăn. Điển hình như Phìn Hồ, Phìn Hồ Thầu tỷ lệ hộ nghèo gần như chiếm 100% tổng số hộ dân. Nguồn thu chính của người dân vẫn là từ nông nghiệp và không có nghề phụ.
Cũng bởi là thôn đặc biệt khó khăn mà Phìn Hồ và Phìn Hồ Thầu được lựa chọn để triển khai dự án trồng cây lê Tai Nung VH6. Ông Vi Hồng Liêu, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Phời cho biết: Các hộ dân tham gia được hỗ trợ 100% giống, phân bón khi trồng mới và chăm sóc 2 năm đầu. Các ban phòng chuyên môn của huyện cũng đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Năm 2013, diện tích vùng lê tại đây đạt 80ha. Từ năm 2014, dự án ngừng việc trồng mới, tiếp tục hỗ trợ phân bón cho các diện tích trước đó. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án là hơn 900 triệu đồng.
Năm 2017, Trung tâm giống nông nghiệp của tỉnh thực hiện thí điểm chăm sóc, vin cành, ức chế ra hoa đậu quả. Cây có ra hoa nhiều hơn, tuy nhiên tỷ lệ đậu quả rất thấp hoặc không đậu quả.
“Trước thực trạng này, tháng 4 vừa qua, xã Tả Phời đã có báo cáo gửi thành phố đề nghị chuyển đổi, thay thế dần diện tích lê VH6 phát triển kém, không đậu quả bằng trồng cây dược liệu. Còn đối với diện tích lê tập trung thành vùng, tỷ lệ đậu quả thấp, cần hỗ trợ người dân trồng xen cây ngắn ngày dưới tán. Tả Phời cũng đề nghị bố trí thí nghiệm ghép cải tạo giống để điều chỉnh thời gian ra hoa, đậu quả của cây lê”, ông Liêu thông tin.
Dự án triển khai tốn của Nhà nước gần bạc tỷ; người dân mất ngót 10 năm trời “nằm gai” mà không nếm được mật. Cán bộ dự án thì nói “chưa lường hết khó khăn”. Đã đến lúc chính quyền địa phương, cán bộ thực hiện dự án, nhà khoa học cần kiểm tra, đánh giá tìm hiểu nguyên nhân; đồng thời làm rõ trách nhiệm trong khảo sát, xây dựng kế hoạch và triển khai dự án làm bài học kinh nghiệm.
Được biết, giống lê Tai Nung VH6 được nhập trồng khảo nghiệm tại Trại nghiên cứu và sản xuất rau quả Bắc Hà, thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp Lào Cai từ năm 2002. Ngày 12/7/2012, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã ban hành Quyết định số 298/QĐ–TT–CCN, về việc công nhận một số giống cây trồng mới, trong đó công nhận đặc cách cây lê VH6, bản quyền thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai. Đây là cây ăn quả lâu năm, có nguồn gốc từ Đài Loan. Cây trồng một lần có thể cho chu kỳ thu hoạch từ 30-40 năm. Qua triển khai trồng ở một số địa phương như: Huyện Si Ma Cai, Bắc Hà cây lê cho sản lượng quả rất cao. Ngoài tỉnh Lào Cai, thì một số tỉnh như: Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn cũng đưa cây lê Tai Nung vào trồng với tổng diện tích gần 1 nghìn héc ta.
TRỌNG BẢO