Nằm ngay cạnh con đập bị vỡ, toàn bộ tài sản của gia đình chị Nguyễn Thị Huê bị ngập bởi bùn đất kèm theo mùi hóa chất nồng nặc. Cùng với gia đình chị Huê còn có hàng chục hộ dân khác cũng bị ảnh hưởng bởi nước thải và bùn thải của Nhà máy DAP sau khi con đập bị vỡ. Trong đó có 2 hộ gia đình bị cuốn trôi toàn bộ tài sản, ước tính thiệt hại của riêng 2 hộ này khoảng 400 triệu đồng.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, sự cố vỡ đập hồ thải, ngoài ảnh hưởng đến các hộ dân sống xung quanh thì, chất thải cũng tràn ra Tỉnh lộ 151, sau đó nhập vào các dòng suối trong khu vực. Vì chất thải có chứa nhiều hóa chất tràn ra môi trường nên các lực lượng chức năng phải tạm thời sử dụng vôi bột để trung hòa. Cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã huy động hàng trăm người và nhiều máy móc tham gia cứu hộ, nhanh chóng di chuyển tài sản và người dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, tập trung khắc phục hậu quả sớm ổn định đời sống nhân dân.
“Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự huyện Bảo Thắng và huy động lực lượng dân quân cơ động để giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống. Lực lượng tại chỗ huy động 2 Trung đội dân quân cơ động cùng phương tiện máy móc để giúp nhân dân khắc phục thiệt hại”, Đại tá Lã Việt Hùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai cho biết.
Theo thống kê, có 34 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập. Trước mắt, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã hỗ trợ mỗi gia đình 5 triệu đồng để khắc phục tạm thời; bố trí nơi ăn chốn nghỉ cho bà con. Đồng thời, cùng với các cơ quan chức năng thống kê thiệt hại lên phương án bồi thường và di chuyển người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: UBND tỉnh đã yêu cầu Nhà máy DAP số 2 tạm dừng hoạt động để xử lý triệt để sự cố, có phương án bảo đảm an toàn cho các hồ chứa trước khi sản xuất trở lại. Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi, trung hòa nguồn nước tại những nơi bị ảnh hưởng, thông báo rộng rãi cho nhân dân để phục vụ sản xuất kịp thời.
“Đến thời điểm này, hơn 500 tấn vôi bột đã được sử dụng để trung hòa nguồn nước thải. Bên cạnh đó, chúng tôi đã yêu cầu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sớm thống kê thiệt hại, đền bù và hỗ trợ người dân ra khỏi vùng nguy hiểm về khu tái định cư mà tỉnh đã bố trí. Hiện tại, có 41 hộ dân đang sinh sống gần khu vực bãi thải Gyps của Nhà máy DAP Lào Cai. Đến nay, UBND huyện Bảo Thắng cùng Công ty Cổ phần DAP Lào Cai đã thực hiện xong công tác thống kê, đã dự kiến đủ quỹ đất tái định cư để di chuyển các hộ dân. Trước mắt, sẽ di chuyển ngay 10 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp nằm phía dưới khu vực bị vỡ đập bãi thải; các hộ còn lại sau khi khắc phục xong sự cố sẽ tiếp tục di chuyển để ổn định cuộc sống”, ông Hưng cho biết thêm.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP Lào Cai Phùng Ngọc Bộ cho biết: Đơn vị đã huy động 4 máy xúc loại dung tích lớn, 3 máy gạt, máy lu và 5 ô tô tải thay nhau làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm để nhanh chóng “hàn khẩu” đoạn bờ hồ chứa bị vỡ.
Về lâu dài, sau khi “hàn khẩu” ngăn không cho nước thải thoát ra ngoài môi trường, Công ty Cổ phần DAP Lào Cai sẽ thuê cơ quan chuyên môn khảo sát, tính toán đưa ra giải pháp thi công hồ chứa nước thải hiện tại, bảo đảm an toàn, bền vững. Trong trường hợp không khả thi, Công ty sẽ tính tới khả năng thi công hồ chứa nước thải hoàn toàn mới trên diện tích 40 ha đất còn lại của dự án, bảo đảm an toàn, cách xa đường giao thông và khu dân cư.
Theo người dân phản ánh, trước khi xảy ra tình trạng vỡ đập đã có nhiều lần nước thải của nhà máy rò rỉ gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai cũng có quyết định xử phạt nhà máy về hành vi “không vận hành đúng quy trình đối với công trình bảo vệ môi trường tại bãi thải đuôi quặng”, với số tiền 150 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu đơn vị này có biện pháp xử lý không để nước thải tràn ra môi trường.
BÀI VÀ ẢNH : TRỌNG BẢO