Gia đình bà Phan Thị Tung ở thôn Thái Niên, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng có 3 sào ruộng. Trong quá trình khai thác khoáng sản của Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Khai Phát đã làm chảy tràn quặng vào mặt ruộng khiến cho diện tích đất ruộng của gia đình bà không thể canh tác được.
“Khi đó, Công ty cũng có đề nghị mua lại đất ruộng của dân nhưng cứ khất lần từ năm này sang năm khác. Bà con chúng tôi cũng có ý kiến lên xã nhiều lần, nhưng cũng không được giải quyết. Bây giờ, Công ty này đã rời đi nên người dân không biết kêu đến ai. Cuộc sống gia đình tôi hiện rất khó khăn vì chỉ trông chờ ít ruộng này để trồng cấy”, bà Tung bức xúc.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Niên xác nhận vụ việc, ông cũng cho biết, hiện không thể liên lạc được với Công ty Khai Phát để giải quyết quyền lợi của người dân.
Ghi nhận tại khu vực mỏ caolin - mica, lượng cát sỏi kèm quặng thải chảy tràn hàng trăm mét theo lối vào mỏ, giống như đoạn đường được rải một lớp đá dăm. Khu mỏ không có người trông coi, bảo vệ. Tại hiện trường, có hiện tượng sụt trượt, đồi núi nứt nẻ hết sức nguy hiểm.
Tuy nhiên, việc phải đưa mỏ về trạng thái hoàn thổ, Công ty Khai Phát chưa thực hiện, khiến những hộ dân sinh sống ở gần khu mỏ hết sức lo ngại, nhất là đang trong mùa mưa lũ hiện nay.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thái Niên Vũ Văn Hải, vào tháng 5/2022, UBND xã đã có báo cáo kiểm tra điểm khai thác khoáng sản đã hết hạn khai thác này. Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, Công ty Khai Phát đã dừng mọi hoạt động khai thác chế biến quặng. Các xưởng chế biến sản xuất và toàn bộ các khu nhà văn phòng điều hành và nhà ở công nhân đã đóng cửa; hệ thống cấp điện từ trạm biến áp vào các khu vực khai thác và các xưởng sản xuất đã được tháo dỡ một phần và không còn hoạt động...
“Hiện tại, Công ty Khai Phát chưa thực hiện trách nhiệm hoàn thổ và xử lý các vị trí đất thải. Đặc biệt, có một số vị trí tại phía tây và phía đông nam khu mỏ tiếp giáp đầu nguồn nước sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân thôn Thái Niên có nguy cơ sạt lở cao khi có mưa lớn rất cần xử lý trước mùa mưa lũ”, ông Hải cho biết.
Điều đáng nói, sau khi Công ty Khai Phát rời đi, một phần diện tích đất khoáng sản không được quản lý chặt chẽ đã bị tôn tạo, san gạt mặt bằng, đổ bê tông hàng nghìn mét vuông với mục đích làm xưởng chế biến quế. Theo lãnh đạo UBND xã Thái Niên thì, trước đây có dự án đề nghị đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tinh dầu quế tại xã Thái Niên.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực địa, hồ sơ pháp lý và nguyện vọng của người dân, vị trí xây dựng nhà máy tinh dầu quế hiện trạng trước đây, là bãi đất thải sau khi thác khoáng sản, không có rừng. Trong khi quy hoạch 2021 - 2030, vị trí trên là khu vực đất dành cho lĩnh vực khoáng sản, không quy hoạch đất sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, dự án không có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2022, không nằm trong vùng quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Do vậy, việc xây dựng nhà máy chế biến quế tại vị trí nêu trên là chưa hợp lý.
“Xã đã lập biên bản về việc này và yêu cầu chủ công trình tháo dỡ công trình xây trái phép trên đất khoáng sản”, ông Hải thông tin.
Với việc thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc hoàn nguyên sau khai thác khoáng sản, cũng như việc san tạo mặt bằng sử dụng sai mục đích đối với diện tích đất hiện nay đã và đang gây bức xúc cho người dân.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc và kiên quyết xử lý đối với sai phạm này để ổn định đời sống của người dân trong khu vực.