Nhưng cũng chỉ vui ba ngày Tết. Đến hẹn lại lên, sau mấy ngày vui xuân cùng gia đình, những người lao động ở các làng quê lại lên đường mưu sinh. Đúng là “vội vã trở về rồi vội vã ra đi”; Làng lại vắng vẻ sau Tết vì chỉ có người giả, trẻ nhỏ và… cán bộ xã.
Vì mưu sinh, thanh niên trai tráng ở các vùng quê phải gửi con lại cho ông bà, rời làng, rời bản đi làm thuê. Kẻ Nam người Bắc tìm kế mưu sinh, làng quê vì thế vắng vẻ đến nao lòng. Những làng quê quạnh quẽ, người già trong căn nhà lạnh, là một phần của bức tranh kinh tế-xã hội đặc thù tại Bắc Trung bộ, Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Những cuộc ra đi của người trẻ để lại khoảng trống ở các ngôi làng. Nơi đó, “chỉ còn người già, trẻ con và cán bộ xã”. Người cao tuổi lại trở thành lao động chính ở làng quê. Và những cánh đồng trù phú nuôi sống người nông dân bao đời, giờ chỉ canh tác “để đủ gạo ăn”.
Điệp khúc làng vắng sau Tết đã tiếp diễn bao năm nay. Cũng đã có không ít cải cách để làng quê giữ được người ở lại. Nhưng làm thế nào để người quê vẫn ở lại làng, vẫn ổn định cuộc sống? Câu hỏi từng được đặt ra nhưng đến lúc này, vẫn chưa có được câu trả lời đối với những người sống ở làng.
Đằng sau những cuộc chia tay người thân để ly hương kiếm sống là nỗi niềm để lại trong lòng người đi, kẻ ở. Không những thế, các phong trào do địa phương phát động cũng gặp khó khăn. “Làn sóng” ly hương đã vô tình tạo ra vùng “lõm” dân số trong độ tuổi lao động, đặc biệt, tình trạng thiếu hụt lao động ở vùng nông thôn hiện nay.
Vậy, những cuộc ra đi đó sẽ tiếp diễn đến bao giờ?
SỸ HÀO