Một thời được xem là nơi chỉ có người say, nhà cửa bỏ bê, trẻ con nheo nhóc, cái đói, cái nghèo hiện hữu ngay trên những căn nhà xiêu vẹo, đường làng vắng hoe không một bóng người. Con số thống kê của ngành chức năng đã lột tả hết sự nghèo khó của ngôi làng này. Cả thôn có 50 hộ đồng bào Ca Dong (nhóm địa phương thuộc dân tộc Xơ Đăng) sinh sống, quá nửa là hộ nghèo. 100% các nóc nhà đều có người say xỉn, nhiều gia đình cả vợ lẫn chồng cùng nghiện rượu, bỏ bê con cái, chính quyền địa phương và các thầy cô giáo phải gánh luôn trọng trách chăm lo cho bọn trẻ...
Thế nhưng hôm nay trở lại, mọi việc đã khác, con đường từ trung tâm xã Sơn Màu vào thôn Đắk Pao mùa này đẹp như bức tranh. Đường làng sạch đẹp, nhiều ngôi nhà đã được xây dựng khang trang. Phía xa xa, nơi những quả đồi nối nhau đến hút tầm mắt, thấp thoáng bóng dáng của người dân đang hăng say lao động trên những rẫy keo, rẫy mì. Điều này trước đây ít khi diễn ra ở Đắk Pao.
Từ khi xã triển khai mô hình “Nói không với rượu, bia”, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền, nhiều người dân Đắk Pao nổi tiếng nghiện rượu đã đăng ký tham gia và từ bỏ được “ma men”.
Đơn cử như vợ chồng chị Đinh Thị Vum (26 tuổi) ở Đắk Pao đã đăng ký tham gia. Chồng chị Vum bắt đầu từ chối các lời rủ rê, 1 tháng, 2 tháng, rồi 1 năm, đến giờ đã bỏ hẳn rượu chỉ lo làm ăn. “Ngày trước, chồng uống rượu miết, không đi làm nên gia đình cứ nghèo mãi. Say vào, nhiều lần đánh vợ nữa”, chị Vum cho hay.
Hay như gia đình anh Đinh Văn Tôn (38 tuổi), trước đây chỉ vì anh nghiện rượu mà vợ chồng kình cãi suốt ngày, thậm chí đánh nhau sứt đầu, mẻ trán. Từ ngày đăng ký tham gia mô hình “Nói không với rượu bia” và được sự tuyên truyền, động viên của các cấp chính quyền theo hình thức “mưa dầm thấm lâu”, anh Tôn đã từ bỏ rượu, chí thú làm ăn.
Anh Tôn tâm sự: "Mỗi khi uống rượu xong mình hay kiếm cớ gây sự với vợ. Nhiều người khuyên can bỏ rượu nhưng mình cũng không nghe. Chỉ đến khi được cán bộ tận tình khuyên bảo, mình nhìn lại và thấy đã mất mát quá nhiều. Nên quyết tâm xa rời con “ma men”, làm lại cuộc đời. Nếu không dừng lại chắc vợ con bỏ mình mất".
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Lia - Chủ tịch UBND xã Sơn Màu cho biết: Gia đình chị Vum, gia đình anh Tôn chỉ là những trường hợp điển hình, còn trong làng thì hầu như ai cũng bỏ rượu, nếu có uống thì cũng chừng mực, không còn như xưa nữa. Để người dân từ bỏ rượu bia, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, cùng với các già làng vào cuộc vận động, giúp đỡ bà con tích cực sản xuất, cải thiện đời sống, giảm uống rượu, xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Đồng thời, xã cũng thành lập tổ giám sát để theo dõi, ngăn chặn tình trạng uống rượu triền miên...
Nhờ vậy, Đắk Pao ngày mới đã không còn bóng “ma men”. Người dân trong thôn đã biết chăm lo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Từ 25 hộ nghèo, đến nay Đắk Pao đã có 10 hộ thoát nghèo, 5 hộ nghèo đã vươn lên thành hộ cận nghèo và tình nguyện đăng ký thoát nghèo trong năm nay. Thu nhập bình quân đầu người là 25 triệu đồng/người/năm... Đó là những tín hiệu vui, báo hiệu một tương lai tươi sáng ở Đắk Pao!
Đắk Pao ngày mới đã không còn bóng “ma men”. Từ 25 hộ nghèo, đến nay Đắk Pao đã có 10 hộ thoát nghèo, 5 hộ nghèo đã vươn lên thành hộ cận nghèo và tình nguyện đăng ký thoát nghèo trong năm nay. Thu nhập bình quân đầu người là 25 triệu đồng/người/năm...