Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 80.532.307 ca mắc và 972.200 ca tử vong. Tuy nhiên, hiện Mỹ đang dần vượt qua làn sóng dịch bệnh mới nhất do biến thể Omicron gây ra. Ngày 25/2, cơ quan y tế đầu ngành của Mỹ đã điều chỉnh hướng dẫn đeo khẩu trang để phòng dịch COVID-19, theo đó hầu hết người dân nước này sẽ không phải đeo khẩu trang tại những địa điểm công cộng trong nhà, bao gồm học sinh ở các trường học.
Tại quốc gia láng giềng Canada, những dữ liệu mới nhất cho thấy tình hình dịch COVID-19 đang có chiều hướng cải thiện. Trong khoảng thời gian từ ngày 18-24/2, số ca mắc mới/ngày trung bình ở mức 5.902 ca tính trên quy mô cả nước, giảm 24% so với tuần trước đó. Số ca phải nhập viện điều trị cũng giảm. Một số tỉnh của Canada đã công bố kế hoạch chấm dứt các biện pháp hạn chế được áp dụng trong đại dịch COVID-19, báo hiệu trở lại cuộc sống bình thường khi làn sóng Omicron đang lắng xuống.
Người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng Canada, Tiến sĩ Theresa Tam, ngày 25/2 bày tỏ hy vọng Canada đã vượt qua cuộc khủng hoảng đại dịch và hiện đang trong giai đoạn chuyển tiếp, hướng tới sự phục hồi.
Tại Ấn Độ, thủ đô New Delhi đã thông báo chấm dứt tất cả các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng chống dịch COVID-19, sau khi dữ liệu của chính phủ cho thấy làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron gần đây đã giảm. Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế Ấn Độ, nước này ngày 26/2 ghi nhận 11.499 ca mắc mới và 255 ca tử vong do COVID-19. Những con số này là rất ít so với những số liệu đã ghi nhận trong đỉnh dịch năm ngoái. Nhà chức trách vùng thủ đô đã quyết định dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm và cho phép các quán ăn hoạt động hết công suất phục vụ. Các địa điểm tôn giáo cũng được phép mở cửa trở lại. Trường học sẽ áp dụng giảng dạy trực tiếp từ ngày 1/4 tới, trong khi mức phạt đối với người không đeo khẩu trang cũng được giảm xuống.
Ấn Độ đã phải đối mặt với một làn sóng dịch nghiêm trọng trong năm 2021, trong đó 200.000 người tử vong chỉ trong vài tuần, các bệnh viện và cơ sở hỏa táng đều quá tải. Tính từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, nước này đã chính thức ghi nhận 42.905.844 ca mắc và 513.481 ca tử vong, đứng thứ ba thế giới, sau Mỹ và Brazil.
Trong khi đó, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 5 tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đang rất nghiêm trọng. Ngày 26/2, hòn đảo này ghi nhận 17.063 ca mắc mới, mức cao chưa từng thấy từ khi dịch bùng phát. Cục trưởng Cục Thực phẩm và Y tế Trần Triệu Thủy cho biết, dịch bệnh vẫn chưa lên đỉnh điểm, quy mô của làn sóng lần này là "chưa từng có" và cảnh báo số ca nhiễm sẽ tăng theo cấp số nhân trong thời gian tới.
Do nguy cơ lây nhiễm cao ở Hong Kong, chính quyền đặc khu đã cho phép những người xét nghiệm nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 đưa kết quả lên hệ thống trực tuyến mà không cần xác nhận bằng xét nghiệm PCR. Ngoài ra, nhà chức trách cũng cho phép sử dụng kết quả xét nghiệm nhanh để rút ngắn thời gian cách ly đối với những người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19. Cụ thể, người đã tiêm ít nhất 2 mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính vào ngày thứ 6 và thứ 7 liên tục có thể được rời khỏi cơ sở cách ly.
Theo ông Khổng Phồn Nghị, thành viên của Ủy ban chuyên gia về vaccine ngừa COVID-19 của Hong Kong, làn sóng dịch bệnh thứ 5 có thể đạt đỉnh vào đầu hoặc giữa tháng 3 tới, với số ca nhiễm khoảng 20.000-30.000 ca/ngày. Ông cho biết 90% số ca tử vong hiện nay là người chưa tiêm vaccine, đặc biệt là người cao tuổi, đồng thời nhấn mạnh chìa khóa để chống virus là tiêm vaccine mũi thứ ba để tạo ra nhiều kháng thể hơn và giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng.