Xây dựng các hệ giá trị phù hợp với yêu cầu của thời đại
Tại Hội thảo “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” diễn ra ngày 29/11/2022, các chuyên gia, nhà quản lý đều thống nhất quan điểm khi cho rằng, việc xây dựng các hệ giá trị Việt Nam là vấn đề hệ trọng nhưng không mới; đã được Đảng, Bác Hồ nhiều lần đề cập, khẳng định và có sự tiếp nối, bổ sung, hoàn thiện từng bước trong các văn kiện, nghị quyết… Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, những vấn đề này đã được nâng lên tầm nhận thức mới, được xem là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Đối với một quốc gia, để phát triển bền vững thì cần phải có những giá trị làm cơ sở kinh tế - chính trị - xã hội cho sự phát triển và điều tiết sự phát triển của đất nước; đồng thời, để hướng tới các mục tiêu phát triển mới, cao hơn, cần phải có các giá trị mang tính mục tiêu, khát vọng hướng tới trong quá trình phát triển, để góp phần định hướng sự phát triển của đất nước, nhất là trong những bước phát triển có tính bước ngoặt, bứt phá của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
GS.TS Trần Quốc Toản
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương.
Các chuyên gia cho rằng, nội hàm của các giá trị được kết tinh từ quá khứ, phát huy vai trò trong hiện tại và có định hướng tới tương lai, làm nền tảng để điều tiết, dẫn đạo sự phát triển của đất nước. Việc xây dựng và thực hiện các hệ giá trị góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nâng cao sự đồng thuận xã hội, tạo nên sức mạnh tổng lực của quốc gia.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, bên cạnh những giá trị tốt đẹp tiếp tục được củng cố và phát huy, thì cũng có không ít biểu hiện “lệch chuẩn”, hành vi “phản giá trị”, ứng xử vô văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống. Cũng do những mặt trái của cơ chế thị trường, khiến cho con người hiện nay chú ý nhiều hơn đến lợi ích cá nhân ảnh hưởng đến tinh thần cộng đồng, đạo đức chung của xã hội….
“Đó chính là những tiếng chuông cảnh báo, chúng ta cần phải có những giải pháp kịp thời để chấn hưng đất nước. Trong đó, việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới là việc làm cấp bách để tạo ra sự đồng thuận trong toàn xã hội, tạo thành sức mạnh, giúp chúng ta vượt qua những khó khăn”, ông Sơn cho biết.
Xác định việc xây dựng các hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới, là vấn đề cấp bách, các chuyên gia cũng lưu ý, để những hệ giá trị này thực sự có giá trị và dễ triển khai, đòi hỏi phải đưa ra được những giá trị thật sự tiêu biểu, chuẩn xác, phù hợp, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người. Khi xây dựng các hệ giá trị cần bám sát điều kiện thực tiễn của nước ta, đảm bảo sự cân đối hài hòa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, đặc thù và phổ quát.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hó, các hệ giá trị cũng không nên quá lý tưởng, xa vời, ít tính khả thi, phải có sự cân bằng giữa ý chí của tầng lớp lãnh đạo với điều kiện thực hiện, sự đồng thuận của người dân, phải xuất phát từ những mong đợi của Nhân dân để họ tự giác chung tay thực hiện. Khi xây dựng các hệ giá trị cần tôn trọng tối đa bối cảnh đặc thù và sự lựa chọn giá trị của các chủ thể văn hóa ở các nền văn hóa khác nhau và không có hệ giá trị nào được xem là thống trị, lấn át hoàn toàn các hệ giá trị khác.
Xác định vai trò “chỉ đường” của hệ giá trị quốc gia
GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, cho rằng, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam có mối quan hệ biện chứng. Hệ giá trị này tương tác với hệ giá trị kia trong mối quan hệ nhân quả. Giá trị này vừa là nhân của giá trị kia, vừa là kết quả tác động của giá trị kia, người ta gọi đây là mối quan hệ rất khăng khít và biện chứng.
“Trong đó, hệ giá trị quốc gia là sự tích hợp các giá trị văn hóa, gia đình, con người tạo thành một hệ giá trị mang tính chất nền tảng cơ sở. Còn hệ giá trị văn hóa là tổng hòa các giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc, nó là bộ phận nòng cốt trong giá trị quốc gia và nó chính là nhân tố bồi đắp, bồi dưỡng để phát triển văn hóa giá đình và giá trị của con người Việt Nam”, GS.TS Phùng Hữu Phú cho biết.
Đồng quan điểm, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học, cho rằng, việc xây dựng những hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, góp phần soi chiếu và định ra những chiến lược phát triển của đất nước trong hiện tại và tương lai. Hệ giá trị quốc gia là nền tảng để phát triển xã hội, hệ giá trị này để soi chiếu lại các hành vi về đạo đức, văn hóa ứng xử; qua đó để khắc phục những điểm hạn chế và tăng cường điểm mạnh để xã hội phát triển bền vững.
Hệ giá trị quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc đoàn kết, quy tụ các cộng đồng dân tộc, vùng miền, củng cố sức mạnh tổng hợp của quốc gia, dân tộc.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn
Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Làm rõ thêm vai trò dẫn dắt của hệ giá trị quốc gia trong bối cảnh hiện nay, GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, cho rằng, nước ta vốn là một nước nông nghiệp có xuất phát điểm thấp, hiện đang ở nhóm các quốc gia đang phát triển, mức thu nhập trung bình thấp, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn. Trong khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt mục tiêu, đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
“Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, ngay từ bây giờ chúng ta rất cần xác định hệ giá trị quốc gia chuẩn xác, phù hợp, có sức thuyết phục để cổ vũ, dẫn dắt, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong các tầng lớp Nhân dân. Việc củng cố, xây dựng hệ giá trị quốc gia cũng rất phù hợp, giúp bồi đắp lòng yêu nước, nâng cao ý chí độc lập, tự cường, giữ vững biên cương, lãnh thổ, bảo vệ an ninh, quốc phòng”, GS.TS Loan khuyến nghị.
Theo GS.TS Từ Thị Loan, xây dựng và củng cố hệ giá trị quốc gia là một cuộc chiến lâu dài, khó khăn, phức tạp, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự triển khai một cách đồng bộ, căn cơ các giải pháp, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Công việc này phải được tiến hành bền bỉ, kiên trì, thường xuyên, không chạy theo hình thức, phong trào.
Tại Hội thảo “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trịvăn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”,các chuyên gia, nhà quản lý đều thống nhất nhận định, việc xây dựng hệ giá trịquốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người ViệtNam là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.
Nhưng để những chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước sớm đi vào cuộc sống thì cần cần phải đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, từ đó giúp cho Nhân dân, cán bộ đảng viên nhận thức được đầy đủ và sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt, sự cần thiết của vấn đề xây dựng và thực hiện các hệ giá trị này.