Theo những tư liệu còn lưu giữ được, đội bóng con gái đầu tiên có lẽ là ở cả Á châu xuất hiện chính là tại Việt Nam, vào năm 1932 - 59 năm sau World Cup nữ mới ra đời. Với ý tưởng nam - nữ bình quyền, giải phóng phụ nữ, đội bóng nữ Cái Vồn (Cần Thơ) không chỉ nổi như cồn khắp miền Tây Nam bộ, mà còn lên tận Sài Gòn đá với đờn ông. Nổi bật là trận hòa 2-2 với đội nam Paul Bert tại sân Mayer (nơi anh Lý Tự Trọng bắn chết viên thanh tra mật thám Le Grand trong một cuộc mít tinh, nay không còn) được Tổng cục Thể thao Nam kỳ tưởng thưởng 5 ngàn đồng Đông Dương. Đội bóng “ngàn năm mới có một” này tồn tại đến năm 1938 rồi tan rã.
Phải đến tận những năm 1970, túc cầu nữ mới sống lại trong một thời gian ngắn ngủi, với đội bóng quy tụ cầu thủ của… một số lò võ Thiếu lâm ở Sài Gòn. Sau ngày đất nước thống nhất, những năm 1980, bóng đá nữ mới manh nha ở TP. Hồ Chí Minh. Nhưng vị Giám đốc Sở Thể dục thể thao ở đây vì “cái nhìn” thời ấy đã ra lệnh miệng “cấm tiệt”. Có chuyện đội bóng nữ của quận 1 đi đá giao hữu phải dùng xe quây bít bùng. Nhưng khi nghe tin, ông giám đốc phóng xe máy đuổi theo bắt phải quay về.
Bóng đá nữ xuất hiện tại SEA Games 1985 và Thể thao Việt Nam hội nhập trở lại đấu trường khu vực từ SEA Games 1989, nhưng phải đến năm 1996 đội tuyển bóng đá nữ mới được thành lập. Chuyến xuất ngoại đầu tiên của các cô gái “quần đùi áo số” Việt Nam là Giải tiền SEA Games mở rộng tại Malaysia vào năm 1997, dưới sự dẫn dắt của chính HLV Mai Đức Chung và đã lập tức đoạt cúp ngay chính trên sân Merdeka. Vài tháng sau, ở kỳ SEA Games đầu tiên tham dự trên đất Indonesia, Ngọc Mai và đồng đội đã giành Huy chương Đồng. Từ thời điểm ấy, Thể thao Việt Nam mới chính thức nhận ra tiềm năng to lớn của bóng đá nữ.
Đi sau Thái Lan 2 kỳ SEA Games và 10 năm phát triển, nhưng với việc đánh bại Thái Lan để đoạt Huy chương Vàng SEA Games 2019 ở Philippines, tuyển nữ Việt Nam đã vượt mặt chính đối thủ, trở thành đội bóng giàu thành tích nhất đại hội với 6 lần đăng quang (cùng 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng).
Ở Giải vô địch Đông Nam Á, bóng đá nữ Việt Nam cũng đã 3 lần lên ngôi, chỉ kém Thái Lan 1 lần và đang giữ ngôi Hậu sau trận chung kết AFF Cup nữ 2019 đánh bại đội bóng xứ Chùa Vàng ngay trên đất Thái.
Tại đấu trường châu lục, tuyển nữ Việt Nam từng vào bán kết Asiad 2014, liên tiếp có mặt ở 9 vòng chung kết (VCK) Asian Cup gần đây, vào đến trận play-off tranh vé dự Olympic Tokyo 2020. Trước VCK Asian Cup 2022, trên bảng xếp hạng FIFA, đội tuyển nữ Việt Nam đứng thứ 32 thế giới, hạng 6 châu Á và số 1 Đông Nam Á.
Nhưng tấm vé World Cup 2023 không chỉ đến từ những thành công, mà còn cả từ những thất bại đau thương, như trận play-off với Thái Lan ở VCK Asian Cup 2014 ngay trên sân nhà, hay những trận thua nặng nề 4 năm sau đó tại Jordan, khi không may rơi vào bảng đấu quá tầm cùng các “đại nương”: Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Chính những va vấp ấy, đã nung nấu thêm quyết tâm, tạo thêm sức mạnh để các cô gái chúng ta vượt qua hành trình “dông bão” vì dịch bệnh từ Tây Ban Nha đến trên đất Ấn Độ để đi đến đích cuối cùng.
Để Tuyết Dung hôm nay tự hào báo công: “Việt Nam xin chào World Cup. Chúng tôi làm được rồi cả nước ơi!”, là những thế hệ đàn chị đi trước: Ngọc Mai, Kim Hồng, Kim Chi, Thúy Nga, Văn Thị Thanh, Đào Thị Miện, Ngọc Châm, Kiều Trinh, Minh Nguyệt… và những con người âm thầm đóng góp, đặt những viên gạch nền móng đầu tiên cho bóng đá nữ Việt Nam./.