Thi gan cùng đá núiNăm 2003, gia đình Và Tổng Sử và 2 người em trai chuyển từ bản Huồi Cọ xuống Thằm Thẩm. Bản Thằm Thẩm hồi ấy đất còn nhiều, nhưng đất ở đây cằn cỗi hơn nhiều so với ở Huồi Cọ. Hạt lúa gieo trên nương có mọc lên cũng gầy và lép hạt. Một lần phát nương rẫy ở Pà Hốc, ông đã phát hiện ra nơi này có thể làm ruộng bậc thang như ở miền núi phía Bắc. Ông bàn với vợ con làm mương dẫn nước về để làm ruộng. Nhưng dẫn nước về lại không dễ như ông nghĩ. Vì nước trên đỉnh Pà Hốc cách xa hàng cây số, toàn lèn đá, nhiều người đào không xuể nói chi đến hai vợ chồng ông.
Và Tổng Sử nhớ lại: Lúc đó, làm mương dẫn nước chỗ nào cũng khó, có điểm đá to quá, không đào được. Đào 3 lần không được, tôi định từ bỏ không làm nữa. Nhưng sau 3 tháng cứ lấy xà beng bào mòn nó dần dần, bên dưới lấy đá đắp kè cho nước chảy qua.
Nhờ kiên trì, hai vợ chồng ông làm được mương dẫn nước dài nhiều cây số. Sau khi nước đã về, vợ chồng Và Tổng Sử bắt đầu cuốc đất khai hoang trồng lúa. Nhưng ngay nhát cuốc đầu tiên thấy nó không dễ như đào củ mài, củ sắn trên nương. Trong khi đó muốn làm được ruộng phải làm sâu ít nhất 4 cán dao, bờ ruộng đắp cao hơn 2 cán cuốc mới giữ được nước.
“Đào mương dẫn nước đá đã nhiều, khi làm ruộng đá còn nhiều hơn. Đào ở đâu cũng thấy đá, to có, nhỏ có. Làm hơn 1 tháng cũng không xong. Vợ tôi bảo bỏ thôi, đá của trời của đất, làm gì đào hết được, thà làm rẫy còn đỡ mệt hơn. Người trong bản, lại bảo vợ chồng tôi làm trái ý thần rừng nên bị thần phạt đào toàn phải đá. Lúc đó, khó khăn không thể nào kể xiết, nhiều lần muốn bỏ cuộc. Nhưng sau đó tôi quyết định, đào đến đâu dẫn nước tới đó, để nước ngấm dần làm tơi đất, mới dễ bốc đá” – Và Tổng Sử chia sẻ.
Giúp dân bản làm giàuSau 3 năm, Và Tổng Sử làm được 19 bậc ruộng lúa nước. Nhưng vụ lúa đầu tiên ấy không được như ý muốn. Lá lúa vàng, bị sâu ăn nhiều, nước không đủ tưới nên hạt lép. Thu hoạch không đủ cho 8 miệng người ăn cả năm. Ông quyết định xuống xã gặp cán bộ nông nghiệp. Sau khi gặp cán bộ xã, ông đã biết nguyên nhân lúa không tốt và được hướng dẫn cách khắc phục. Hai vợ chồng ông về nhà làm theo. Vụ lúa sau đó lên tươi tốt, cây lúa không bị sâu cuốn, cho ra nhiều bông. Vợ chồng Tổng Sử thu được lúa đầy kho. Ông cùng vợ phát thêm 39 bậc thang nữa. Mỗi năm gia đình ông chỉ trồng 1 vụ nhưng lúa trong kho lúc nào cũng đầy.
Sau khi đã lo được cái ăn hằng ngày, thoát khỏi cảnh đói đứt bữa, Và Tổng Sử lại nghĩ cách để thoát nghèo. Ở vùng miền núi này, chỉ có chăn nuôi mới mang lại hiệu quả cao nhất, nên ông đầu tư chăn nuôi lợn đen, gà đen, trâu, bò. Cứ nuôi dần dần nhân đàn từng vụ, vụ nào bán đi vụ đó, lại mua giống về nuôi. Chẳng mấy chốc cơ ngơi của gia đình ông đã có hơn 40 con bò, 50 con lợn, 300 con gà đen. Mỗi năm cho thu nhập hơn 300 triệu đồng. Gia đình ông còn nhận khoán chăm sóc bảo tồn hơn 10ha rừng bon bo nguyên sinh. Nguồn thu từ loại quả này cho thu hơn 50 triệu đồng/năm. Từ hộ nghèo, ông đã trở thành triệu phú.
Thấy Và Tổng Sử làm được nhiều ruộng, nuôi được nhiều trâu, bò. Nhiều hộ dân trong bản đã đến xem và học hỏi mô hình của ông. Cả dân các xã khác ghé sang. Từ một mình ông, đến nay ở bản Thằm Thẩm đã có 11 hộ làm ruộng kết hợp với chăn nuôi trâu, bò.
NGUYỄN LÊ