Đối với cá việc phát hiện và chuẩn đoán bệnh gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi người nuôi phải có kiến thức kỹ thuật và kinh nghiệm. Chính vì vậy, trong quá trình nuôi cá nước ngọt việc phòng trị bệnh vô cùng quan trọng, có ý nghĩa lâu dài và quyết định.
Phòng bệnh tức là áp dụng các biện pháp để tránh đưa mầm bệnh từ ngoài vào ao nuôi hoặc ngăn ngừa mầm bệnh phát triển trong ao như chăm sóc và cho cá ăn đầy đủ (chất và lượng) để cá khỏe mạnh có sức đề kháng tốt với bệnh. Nguyên nhân gây bệnh cho cá nuôi trong ao là do sự tác động của 3 yếu tố: Môi trường nước ao nuôi xấu; Cá bị yếu; Trong ao có nhiều mầm bệnh.
Người nuôi cần nắm rõ quá trình lây bệnh của cá là từ cá bệnh bài xuất mầm bệnh ra khỏi cơ thể và truyền thẳng sang cá khoẻ. Trường hợp khác là từ cá bệnh bài xuất mầm bệnh ra ngoại cảnh rồi mới vào cá khoẻ.
Vì vậy cần phải có các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Trước tiên là làm sạch môi trường nước và ao nuôi từ việc nguồn nước lấy vào ao phải sạch. Ao quang đãng, xung quanh ao không có cây cối rậm rạp.
Trước khi thả cá tháo cạn nước, phơi đáy ao và tẩy bằng vôi bột với lượng 10-15kg cho 100m2. Vớt hết thức ăn thừa (nhất là cỏ, lá) trước khi cho cá ăn lần mới.
Bên cạnh đó, để tăng sức đề kháng cho cá cần phải chọn cá giống khoẻ mạnh, không bị xây xát, không dị hình. Không thả cá quá nhỏ, không nên nuôi cá với mật độ quá dày. Cá giống mới mua về cần để cá có thời gian quen dần với nước ao, bằng cách té nước ao vào thùng, chậu đựng cá giống hoặc ngâm cả túi cá xuống ao 15 phút để cho nhiệt độ trong túi và nước ao cân bằng nhau, rồi thả cá ra ao.
Trước khi thả cá nên tắm cho cá giống bằng nước muối nồng độ 2-3% trong 10-15 phút. Không dùng phân chuồng tươi để bón cho ao; phân chuồng cần ủ với vôi (4-5kg vôi/100kg phân chuồng) trong 20 ngày trước khi sử dụng. Có thể bón vôi bột vào nước ao định kỳ mỗi tháng 2 lần (Bón 1-2kg vôi cho 100m3 nước ao). Cần kiểm tra độ chua của nước ao bằng giấy quỳ tím (giấy pH). Dùng thuốc phòng bệnh cho cá vào trước mùa xuất hiện bệnh.
BAN PV