Theo các thí sinh, đề thi môn Ngữ Văn năm nay có nội dung bám sát kiến thức chương trình đã học, có kết cấu giống với đề thi minh họa đã được Bộ GD&ĐT công bố trước đó. Tuy vậy, phần đọc - hiểu tương đối khó. Đề thi năm nay không có các dạng câu nhận định về phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ giúp thí sinh ghi điểm.
Còn với đề Toán, các giáo viên nhận định nội dung nhẹ nhàng, có phân hóa nhưng mức độ không cao, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh đang căng thẳng, nhiều học sinh phải ôn tập online.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thí sinh thi tốt nghiệp THPT phải thực hiện nghiêm quy định đeo khẩu trang, xịt khuẩn, đo nhiệt độ khi đến địa điểm thi.
Với yêu cầu của Bộ GD&ĐT không để thí sinh vì khó khăn, mà không đến được trường thi, 63 tỉnh, thành phố đã chuẩn bị nhiều phương án khác nhau để giúp thí sinh vượt qua trở ngại của dịch bệnh, thiên tai, thời tiết khắc nghiệt.
Có thể thấy, vai trò chủ động của các địa phương đã được thể hiện rõ nét trong các quyết định về phương án tổ chức kỳ thi trên địa bàn. Các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi. Các quy định phòng dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự cũng được bảo đảm.
Đặc biệt, các tỉnh đang tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân ở tất cả điểm tổ chức thi. Trong đó, có các phương án sẵn sàng đối phó với dịch bệnh bùng phát ngay trong quá trình diễn ra kỳ thi. Điều này đã giúp cho học sinh, phụ huynh yên tâm hơn, không bị động trong kế hoạch thời gian tổ chức thi.
Ghi nhận tại tỉnh Nghệ An, theo thống kê của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh đã có 8 thí sinh F1 và 68 thí sinh F2 dự thi đợt 1. Tất cả thí sinh F1 và F2 đã được test Covid-19 âm tính và dự thi đợt 1 bình thường. Tuy nhiên, các thí sinh F1 sẽ đến phòng thi bằng xe chuyên dụng của y tế. Tất cả thí sinh thuộc diện F1 và F2 đều phải thi trong phòng thi riêng, bảo đảm giãn cách theo quy định để phòng chống dịch.
Còn tại Lai Châu, điểm thi Trường Trung học Phổ thông dân tộc nội trú Ka Lăng, thuộc xã Ka Lăng, huyện Mường Tè- điểm thi xa nhất của tỉnh Lai Châu, từ 5 giờ sáng, các thí sinh đã dậy sớm để ôn qua bài rồi chuẩn bị ăn sáng, lên phòng thi. Các thí sinh khi đến dự thi đều tuân thủ việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt trước khi vào phòng thi.
Tại huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), địa phương vừa phát hiện ca mắc COVID-19 ngày 3/7 vừa qua, có 12 thí sinh nằm trong khu vực giãn cách và phong tỏa. Để bảo đảm an toàn cho các thí sinh và cán bộ coi thi, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên – Huế tổ chức cho các em dự thi tại điểm thi riêng, đồng thời bố trí xe chuyên dụng cũng như lực lượng chức năng đưa đón các em đến tận phòng thi…
Trong ngày thi thứ nhất, có 3 điểm thi tốt nghiệp THPT ở TP. Hồ Chí Minh xuất hiện thí sinh liên quan đến Covid-19, 1 điểm thi ở Bắc Giang và 2 điểm thi ở Phú Yên phải dừng gấp việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng do có thí sinh dương tính với Covid -19.
Số liệu từ Bộ GD&ĐT cho biết, cả nước có trên 27.000 thí sinh không đến dự thi đợt 1, trong đó có 14.394 thí sinh không dự thi được đợt 1 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (1,41%). Nhiều thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 của cả nước và thí sinh ở một số địa phương phải thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 nên không thể tham dự kỳ thi đợt 1 và sẽ tham dự đợt sau vào thời điểm thích hợp.
Theo đó, cũng trong ngày 7/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng tuyển sinh ngành giáo dục mầm non đề nghị sẵn sàng điều chỉnh và thực hiện công tác tuyển sinh phù hợp với kế hoạch thi tốt nghiệp THPT 2021.
Ngày mai (8/7), buổi sáng, các thí sinh sẽ làm bài thi Khoa học Tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Thời gian làm mỗi môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp là 50 phút. Buổi chiều, thí sinh làm bài thi môn Ngoại ngữ với thời gian 60 phút. Sáng 9/7 là buổi thi dự phòng.