Với tinh thần đoàn kết, đồng bào Xơ Đăng ở xã Đăk Ui đã chung tay xây dựng vùng căn cứ kháng chiến năm xưa ngày càng giàu đẹpGiữa bát ngát màu xanh của cà phê, cao su, cây ăn quả, lúa nước và không khí lao động tích cực, khẩn trương của bà con Xơ Đăng ở xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum ít người nghĩ nơi đây trong kháng chiến chống Mỹ từng là chiến trường ác liệt. Chỉ trong 15 năm, từ năm 1960 đến năm 1975 quân dân xã Đăk Ui đã đánh 289 trận, loại khỏi vòng chiến đấu gần 900 tên địch, bắn rơi 6 máy bay, diệt 6 xe quân sự…
Ông A Bok, thôn Kon Pong, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà năm nay 75 tuổi bồi hồi nhớ lại: Năm 9 tuổi ông đi đưa cơm cho cán bộ cách mạng nằm vùng rồi theo cha anh cầm súng đánh giặc. Lúc đó, dân làng khó khăn, cơm không đủ ăn, không có muối, quần áo không đủ mặc nhưng vẫn quyết tâm đánh giặc. Trải qua gian khổ, mất mát, hy sinh càng thêm trân quý giá trị của hoà bình.
Cây cà phê mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào Xơ Đăng ở xã Đăk UiPhát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, 50 năm qua Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Đăk Ui đã lập thêm nhiều kỳ tích mới trong hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển kinh tế - xã hội. Gần 7.000 người dân của xã với hơn 90% là bà con dân tộc Xơ Đăng đã luôn giữ vững và phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng vùng căn cứ kháng chiến năm xưa ngày càng giàu đẹp.
Ông A Nghĩa, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Đăk Ui cho biết: Nhờ tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ gần 1.400 hecta cây hàng năm, gần 1.000 hecta cây lâu năm với chủ lực là cà phê và lúa nước năng suất, chất lượng ngày càng được nâng cao giúp người dân có thu nhập ổn định. Cùng với đó việc tham gia quản lý bảo vệ rừng và phát triển kinh tế rừng cũng mang lại cho người dân nguồn thu đáng kể. Năm 2022 xã Đăk Ui đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Cuộc sống của người dân xã Đăk Ui đang thay đổi tích cực từng ngày.
Diện mạo các thôn, làng vùng đồng bào DTTS đang từng ngày đổi thayTrong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Kon Tum là vùng chiến trường ác liệt, là địa bàn mà đế quốc Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hòa triển khai nhiều chiến lược, chiến dịch, càn quét, nhằm đàn áp các phong trào cách mạng, tra tấn, sát hại dã man đồng bào ta. Nhưng với truyền thống cách mạng anh dũng, kiên cường, bất khuất, đại bộ phận Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum vẫn quyết tâm theo Đảng; được sự chi viện sức người, sức của của cả ba miền, cùng với việc vận dụng nhiều cách đánh linh hoạt, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, bền bỉ chiến đấu và liên tiếp giành nhiều thắng lợi to lớn, góp phần cùng cả nước, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch.
50 năm đã trôi qua, bom đạn chiến tranh giờ chỉ còn trong ký ức, nhưng tinh thần cách mạng bất khuất và lòng yêu nước nồng nàn của Nhân dân các dân tộc Kon Tum vẫn còn mãi. Từ vùng đất từng chịu biết bao đau thương mất mát, hôm nay Kon Tum đã hồi sinh mạnh mẽ, vươn mình trở thành điểm sáng phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Diện mạo đô thị và nông thôn không ngừng đổi mới; các tuyến giao thông huyết mạch được đầu tư, góp phần phá thế ngõ cụt, tạo nên hành lang kết nối với các tỉnh lân cận. Những thôn, làng vùng đồng bào DTTS khoác lên mình chiếc áo mới với sự ấm no và sung túc.
Từ vùng đất bị cày nát bởi bom đạn, chất độc hoá học trong chiến tranh, Kon Tum đang vươn lên mạnh mẽÔng A Ghin, già làng, Người có uy tín làng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy chia sẻ: Xã biên giới Rờ Kơi giờ không còn là vùng xa, vùng khó khăn nữa. So với trước kia, giờ đây xã đã có nhiều thay đổi, nhất là việc phát triển về kinh tế. Thời gian gần đây phát triển rất mạnh, bà con chuyển từ trồng cây sắn sang cây cà phê, cao su. Bà con luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Từ vùng đất bị cày nát bởi bom đạn, chất độc hoá học trong chiến tranh, Kon Tum đã vươn lên mạnh mẽ. Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt gần 50.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người hơn 68 triệu đồng; tốc độ tăng trưởng 8,02%, đứng thứ 24 cả nước và cao nhất khu vực Tây Nguyên.
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn về chung vui Ngày hội Đại đoàn kết cùng đồng bào Ba Na ở thôn 2, xã Đăk Pne, huyện Kon RẫyChủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn cho biết: Với truyền thống anh dũng quật cường trong kháng chiến chống ngoại xâm, tinh thần nỗ lực vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất, sau 50 năm giải phóng, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng và phát triển quê hương Kon Tum ngày càng giàu đẹp, với những thành tựu to lớn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh luôn duy trì mức tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được chú trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,31%; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên.
Những bước chân giải phóng của quân và dân tỉnh Kon Tum năm xưa, giờ đây đã hoá thành những bước chân dựng xây, bước chân của niềm tin, hy vọng và khát vọng vươn lên. Kon Tum đang viết tiếp những trang sử mới trong hành trình bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.