Nhiều biến chứng nguy hiểmChị Hoàng Thị Minh Bùi, 27 tuổi, ở Sơn Dương (Tuyên Quang) bị thủy đậu từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, bản thân chị và gia đình chủ quan đây là căn bệnh nhẹ nên vẫn làm việc bình thường. Do không được chữa trị kịp thời, bệnh thủy đậu đã biến chứng thành bệnh viêm phổi và hoại tử.
Ngày 1/3 vừa rồi, với triệu chứng sốt và xuất hiện ban phỏng nước rải rác vùng cẳng tay, chân chị đã buộc phải cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi chụp XQ và làm các xét nghiệm, các bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị biến chứng viêm phổi nặng sau thủy đậu, trên nền lupus ban đỏ hệ thống, hoại tử đầu chi. Sau đó, bệnh viện phải tiến hành cắt 4 đốt ngón tay hai bên, hoại tử 2 ngón chân trái. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tích cực, phải thở ôxy, song tiên lượng rất xấu.
Tình trạng thủy đậu ở trẻ sơ sinh do lây từ mẹ thời gian qua cũng gây nên nhiều nguy hiểm. Chị Triệu Thị Thu, mẹ bé Nguyễn Triệu Xuân Thịnh (5 tháng tuổi, ở tỉnh Đăk Lăk) cho biết, một tháng trước chị mắc bệnh nhưng không cách ly nên đã lây nhiễm sang con. Hiện bé Thịnh mắc bệnh khá nặng. Hiện nay, chị phải cho con điều trị trong Bệnh viện đa khoa Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh nhưng các bác sĩ tiên lượng khá xấu, chưa biết cháu có qua khỏi được không.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, so với năm 2016, năm 2017, số ca mắc bệnh thủy đậu tăng khoảng 46%, có khoảng 39.000 ca mắc bệnh và xảy ra ở quy mô gần như khắp cả nước. Trong năm 2017, đỉnh dịch thủy đậu rơi vào tháng 3, với 8.000 ca mắc bệnh, các tháng còn lại thường dưới 3.000 ca. Từ đầu năm 2018 đến nay, số bệnh nhân mắc thủy đậu tăng đột biến ở nhiều địa phương.
TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ đầu năm đến nay, lượng bệnh nhân nhập viện do thủy đậu tăng cao hơn cùng kỳ. Theo thống kê sơ bộ, trong 2 tháng đầu năm, Bệnh viện tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân tới điều trị, trong đó nhiều ca bị biến chứng nặng sang viêm phổi, viêm não, xuất huyết não…
Không nên chủ quanTheo PGS.TS Trần Đắc Phu, mặc dù bệnh thủy đậu là một bệnh khá lành tính, nhưng khi không được điều trị sớm, đúng cách sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Ông Trần Đắc Phu cho biết thêm, hiện nay, nhiều người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn, miền núi thường áp dụng phương pháp dân gian trong chữa trị bệnh thủy đậu, như dùng gốc rạ nấu nước tắm hoặc uống (do bệnh thủy đậu còn gọi là bệnh trái rạ), kiêng nước, kiêng gió, kiêng cữ trong ăn uống… Đây là những cách điều trị sai lầm dễ làm cho tình trạng bệnh biến chứng nặng hơn.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết thêm, trên thực tế giữa bệnh trái rạ và gốc rạ không hề liên quan tới nhau. Dùng cách này khiến người bệnh dễ nhiễm trùng. Còn uống nước gốc rạ có thể bị ngộ độc. Còn việc trùm kín người kiêng gió, kiêng nước khiến cho cơ thể đổ mồ hôi sẽ gây ngứa, bệnh nhân khi đó sẽ gãi nhiều làm các bóng nước vỡ ra. Việc không tắm rửa sạch sẽ, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, dễ để lại sẹo gây ảnh hưởng xấu về thẩm mỹ sau này; không được ăn uống đầy đủ khi đang bị virus tấn công, làm cơ thể giảm sức đề kháng khiến bệnh càng nặng thêm.
PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, khi bị thủy đậu, người thân cứ tắm cho bệnh nhân bình thường, có thể dùng thêm xà bông để tắm, và nên cắt móng tay để tránh tình trạng người bệnh gãi ngứa, dẫn tới việc các bóng nước bị vỡ dễ nhiễm trùng. Để tránh truyền bệnh cho người thân và cộng đồng, người mắc bệnh cần mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc trực tiếp hoặc đến những nơi đông người.
Tiến sĩ Đỗ Duy Cường cho biết, hiện nay bệnh thủy đậu đã có thuốc điều trị đặc hiệu là Acyclorvir nhưng cần phải điều trị sớm. Bên cạnh đó, phổ biến hơn là dùng các biện pháp chữa triệu chứng như hạ sốt, bôi dung dịch xanh methylen sát khuẩn làm se các nốt phỏng, vệ sinh thân thể sạch sẽ... Đồng thời, phải theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng.
H.ANH - P.CHINH