Tại Trung tâm Y tế Huyện Mê Linh (Hà Nội), năm 2023, Trung tâm Y tế Huyện đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 54 buổi tuyên truyền về công tác DS- KHHGĐ với nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến về Pháp lệnh Dân số, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...
Hiện nay, toàn Huyện Mê Linh có 350 cán bộ làm công tác dân số, trong đó: 07 viên chức làm việc tại Trung tâm Y tế; 18 Cán bộ chuyên trách phụ trách các xã, thị trấn và 325 cộng tác viên phụ trách tại các khu dân cư. Với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" đội ngũ cán bộ làm công tác dân số đã làm tốt việc tuyên truyền để mọi người dân nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về DS-KHHGĐ, qua đó nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của các tầng lớp và Nhân dân trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.
Bên cạnh đó, huyện Mê Linh còn tích cực duy trì và đẩy mạnh hoạt động truyền thông lồng ghép nội dung dân số vào các cuộc họp, sinh hoạt của nhân dân tại khu dân cư thông qua các nền tảng mạng xã hội: Facebook, Zalo,…trên các thiết bị thông minh như: điện thoại di dộng,… Qua đó, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức, từng bước nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn Huyện.
Tại tinh Phú Thọ, trong thời gian qua, tỉnh đã tăng cường đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp với đặc thù của vùng đặc thù; từng nhóm đối tượng: phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên; nam giới; người có uy tín trong cộng đồng... nhằm giúp đối tượng chuyển đổi hành vi bền vững.
Trong đó, tỉnh Phú Thọ đã đặc biệt chú trọng phát triển những tiện ích, lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại, internet và trên các nền tảng mạng xã hội để thích ứng với xu hướng phát triển và phù hợp với bối cảnh phát triển công nghệ số hiện nay, như: đẩy mạnh hoạt động trang fanpage của Chi cục Dân số trên các nền tảng mạng xã hội như: facebook, zalo, tiktok... Đồng thời, tổ chức phát động, tổng kết cuộc thi "sáng tạo thông điệp truyền thông dân số" tỉnh Phú Thọ trên nền tảng mạng xã hội facebook. Các hoạt động truyền thông dân số trên các nền tảng mạng xã hội đãt ạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút lớn trong cộng đồng.
Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông về dân số thời gian qua ở các địa phương đã mang lại những tín hiệu tích cực trong công tác dân số. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản chính sách về công tác Dân số và Phát triển, về được nhiều người quan tâm hiện nay như: Mất cân bằng giới tính khi sinh, cơ cấu dân số vàng, chất lượng dân số; các Chỉ thị, Nghị quyết của tỉnh về công tác Dân số và Phát triển; thông tin hoạt động, các điển hình tiêu biểu về chương trình Dân số. Chỉ đạo, triển khai các đợt truyền thông cao điểm hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới (8/5), Ngày dân số thế giới 11/7, Ngày Tránh thai Thế giới, Ngày Quốc tế Người cao tuổi và Ngày Quốc tế Trẻ em gái với nhiều hình thức như: Thảo luận nhóm, nói chuyện chuyên đề, treo băng zôn...
Từ những thành công đạt được trong công tác tuyên truyền về dân số trong năm 2023, ngành dân số đặt mục tiêu trong năm 2024, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị quyết số 21-NQ/TW, tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ, nội dung công tác dân số trong tình hình mới. Chuyển nội dung truyền thông, giáo dục từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Bên cạnh đó, Cục Dân số đã xây dựng các thông điệp truyền thông với khẩu hiệu vận động: "Dừng ở hai con để nuôi, dạy cho tốt". Đối tượng tuyên truyền, vận động chủ yếu là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, các cặp vợ chồng đã sinh hai con và có ý định sinh thêm con; thanh niên, vị thành niên.
Đồng thời, Cục Dân số sẽ tiếp tục tổ chức Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình ở những địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tổ chức các hoạt động truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng việc sử dụng các phương tiện truyền thông đa phương tiện, internet và mạng xã hội. Đẩy mạnh hình thức truyền thông trực tiếp, các nền tảng xã hội nhằm giúp các đối tượng chuyển đổi hành vi bền vững. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển những tiện ích, lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại, internet và trên các nền tảng mạng xã hội để thích ứng với xu hướng phát triển trong giai đoạn hiện nay và phù hợp với bối cảnh công nghệ số hiện nay.