“Cô gái vàng” của Quyền Anh Việt Nam
Ngày 23/10/2021 đã đi vào lịch sử Quyền Anh Việt Nam, như dấu son khi tay đấm Nguyễn Thị Thu Nhi trở thành người Việt Nam đầu tiên đăng quang ngôi vô địch WBO (hạng miminum) ngay tại xứ sở Kim Chi. Càng tự hào hơn khi Thu Nhi giành chiến thắng từ tay đấm kỳ cựu đến từ đất nước “Mặt trời mọc” - Etsuko Tada. Không chỉ vượt trội về chiều cao, sải tay, kỹ năng đấu, võ sĩ 40 tuổi này còn vượt trội hơn hẳn Nguyễn Thị Thu Nhi về kinh nghiệm và thành tích, khi từng thi đấu tới 26 trận và có đến 20 trận thắng vang dội, trong khi Thu Nhi chỉ mới có 4 trận thắng ở giải đấu chuyên nghiệp.
Khát khao chiến thắng và tinh thần hết mình vì màu cờ sắc áo, cô gái Khmer đã thi đấu ngoan cường đến hết 10 hiệp. Nhờ vậy, dù không hạ knock-out đối thủ sau 10 hiệp đấu chính thức, nhưng các trọng tài vẫn đánh giá Thu Nhi cao hơn đối thủ do tung được nhiều cú đánh chính xác và uy lực. Với kết quả này, Thu Nhi không chỉ biến Etsuko Tada thành cựu vô địch, mà còn tạo cột mốc lịch sử cho boxing Việt Nam. Bởi đây là lần đầu, võ sĩ Việt Nam ghi tên mình lên bảng vàng dành cho nhà vô địch giải Quyền Anh danh giá nhất thế giới.
Ngay sau khi Ban Tổ chức công bố kết quả, Thu Nhi đã hét lớn vào camera: “I come from Vietnam” (Tôi đến từ Việt Nam), với mong muốn mọi người biết rằng cô là người Việt Nam.
Lên ngôi vô địch, bên cạnh nỗ lực rèn luyện để bảo vệ đai, Thu Nhi vẫn đang ấp ủ và đặt những mục tiêu mới cho mình và nỗ lực thực hiện. Một trong những mục tiêu đó là chuyển lên hạng cân cao hơn.
Tuổi thơ không êm ả…
Cuối năm, chúng tôi về Thất Sơn trong cái se lạnh của tiết trời giao mùa, báo hiệu mùa Xuân đang về trên miền đất được xem là thủ phủ của đồng bào Khmer, tỉnh An Giang...
Từ chỉ dẫn của ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh An Giang, chúng tôi tìm nhà ông Chau Kim Thương. Một căn nhà nhỏ, nằm sâu trong con ngõ cạnh chùa Sà Tón - ngôi chùa Nam tông lâu đời của đồng bào Khmer, thuộc khóm 6, thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn. Giữa không gian chật hẹp, 2 tấm hình, một tấm ghi cảnh Thu Nhi đang đứng trên sàn đấu, một tấm ghi lại cảnh Thu Nhi bắt tay ông Park Hang- Seo, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam.
Ông Chau Kim Thương, cha ruột của nhà vô địch đã qua tuổi ngũ tuần, có đôi mắt đen láy đặc trưng của người Khmer. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông như trút nỗi niềm với khách điều ông đã giữ kín trong lòng suốt 1/4 thế kỷ. Đó là mối tình giữa ông - chàng trai dân tộc Khmer nghèo với cô gái Sài Gòn và tuổi thơ không êm ả của cô con gái Thu Nhi.
Đầu thập niên 90, ông Chau Kim Thương lên TP. Hồ Chí Minh làm nghề phụ hồ để có tiền gửi về giúp mẹ nuôi đàn em nhỏ. Sự hiền lành, chất phác của chàng trai Khmer nghèo đã khiến cô gái Sài Gòn Nguyễn Thu Thủy (sinh năm 1971) bất chấp khó khăn theo "chàng" về quê xây dựng gia đình.
“Lúc đó chúng tôi sống tại căn nhà này và Thu Nhi chào đời vào năm 1996”. Thu Nhi ra đời, cuộc sống của gia đình đã khó càng khó khăn hơn nên vợ ông đành ôm cô con gái nhỏ trở lại TP. Hồ Chí Minh. “Lúc đó tôi là trụ cột của gia đình, có mẹ già và đàn em nhỏ, không thể đi cùng vợ được”. Và từ đó, Thu Nhi phải bươn chải từ nghề bán vé số, phụ việc ở quán ăn để hai mẹ con vượt lên những khó khăn của cuộc sống. Rồi như định mệnh, Thu Nhi đến và gắn bó với môn Quyền Anh.
Khi còn học phổ thông, Thu Nhi đến với võ thuật học đường, chỉ với mong muốn được cộng thêm điểm thể dục. Nhưng qua thời gian tập, thầy giáo bộ môn đã phát hiện ra tố chất Quyền Anh tiềm ẩn bên trong cô gái nhỏ nhắn này, nên hướng Thu Nhi đi theo nghiệp võ. Bền bỉ khổ luyện với đam mê của mình, Thu Nhi đã dần thích nghi với môn học mới. May mắn đến với Thu Nhi năm 2015, khi em được ông bầu CLB boxing Cocky Buffalo (quận 7, TP. Hồ Chí Minh) mời đến đấu biểu diễn trong sự kiện tranh giải bán chuyên đầu tiên tại Việt Nam, Thu Nhi đã để lại ấn tượng với lối thi đấu máu lửa.
Nhưng, sự kiện gây chấn động đầu tiên với làng Quyền Anh Việt Nam và khu vực là khi Thu Nhi đánh bại tay đấm lừng danh người Philippinnes Gretchen Abaniel tại Giải boxing Victory vào tháng 8/2018. Đầu năm 2020, Thu Nhi thắng Kanyarat Yoohanngoh (Thái Lan), trong trận đấu chung kết, giành đai vô địch WBO châu Á – Thái Bình Dương...
Dù gặt hái được nhiều thành công, được nhiều người biết đến, công việc huấn luyện bận bịu, hay đang thi đấu tại xứ sở nào, Thu Nhi vẫn không nguôi nhớ về nơi chôn nhau, cắt rốn.
“Vừa kết thúc trận đấu, Thu Nhi đã gọi zalo về báo tin và gởi hình đăng quang vô địch, mọi người rất mừng. Tết này, nếu con về quê, tôi sẽ đưa con đi ăn các món đặc sản của vùng Thất Sơn: Bánh bò thốt nốt, gà đốt...”, ông Chau Kim Thương chia sẻ mộc mạc.