Thách thức
Trong suốt 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hầu hết vận động viên (VĐV) không được thi đấu quốc tế, trang thiết bị tập luyện lại thiếu thốn bởi rất nhiều yếu tố khách quan; trường bắn chưa sửa chữa xong để vận động viên làm quen với bia điện tử. Do đó, mục tiêu đề ra là thách thức không nhỏ với đội tuyển bắn súng Việt Nam.
Phụ trách bộ môn Bắn súng, bà Vũ Thị Anh Đào, cho biết súng, đạn thuộc danh mục vũ khí thể thao, nên quy định rất khắt khe khi nhập khẩu. Vì vậy, mặc dù có nguồn lực đầu tư cho đội tuyển bắn súng Việt Nam, song vì phải hoàn thành thủ tục pháp lý, nên thường đầu năm, bộ môn Bắn súng trình lượng súng, đạn cần mua trong một năm, nhưng phải đến cuối năm mới nhận được trang thiết bị.
Còn HLV Trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung chia sẻ, ở cấp độ đội tuyển quốc gia, việc mua sắm các trang thiết bị đã rất khó khăn, các đơn vị, địa phương còn khó hơn nhiều, nên hầu hết các vận động viên ở cơ sở phải tập chay. “Muốn vận động viên đạt thành tích thì họ phải được tập luyện nhiều. Một bài bình thường nhất của bắn súng cần tới 20 viên đạn bắn thử và 60 viên đạn bắn thật. Khi vào tập luyện với cường độ cao, lượng đạn dành cho vận động viên phải gấp 3 - 4 lần như vậy”, bà Nhung bày tỏ.
Quyết tâm, nỗ lực
Tại SEA Games 30 - 2019 cách đây 3 năm, đội tuyển bắn súng Việt Nam chỉ giành được 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng trong 14 bộ huy chương tại giải đấu. Lần này tham dự SEA Games 31 trên sân nhà, đội tuyển quốc gia đặt mục tiêu vươn lên nhóm đứng đầu toàn đoàn của môn thi đấu, với chỉ tiêu 5 Huy chương Vàng.
Để chuẩn bị cho SEA Games 31, ngay từ tháng 1/2022, Tổng cục Thể dục - Thể thao đã triệu tập 28 VĐV vào đội tuyển bắn súng Việt Nam. Do Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đang sửa chữa, nên đội tuyển phải tập luyện ở các địa điểm khác, với trang thiết bị không thể như ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, song Ban huấn luyện và các VĐV cố gắng khắc phục.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, niềm tự hào của bắn súng Việt Nam đang tập trung tối đa cho công tác đào tạo, huấn luyện và trong SEA Game 31 anh sẽ không tham gia. Niềm tin đươc đặt vào 8 vận động viên bao gồm: Hà Minh Thành, Phạm Quang Huy, Phan Công Minh, Nguyễn Xuân Chuyên, Nguyễn Đình Thành (súng ngắn nam), Phí Thu Thảo, Nguyễn Thu Trang (súng trường nữ), Nguyễn Thu Vinh (súng ngắn nữ). Các VĐV này đã được đưa sang Hàn Quốc tập huấn từ trước Tết Nguyên đán 2022, nhằm nâng cao bản lĩnh thi đấu. Xạ thủ Trần Quốc Cường (từng dự Olympic Rio de Janeiro, Brazil, 2016) vẫn có mặt trong thành phần tổ súng ngắn nam chuẩn bị SEA Games 31.
Hiện tại, đội tuyển bắn súng Việt Nam đang tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội và đang nỗ lực luyện tập. Việc tổ chức giải tiền SEA Games để Ban Tổ chức chủ nhà Việt Nam vận hành trường bắn súng quốc gia sau khi đã nâng cấp sửa chữa và đồng bộ hóa các trang thiết bị điện tử nhằm rút kinh nghiệm khi Đại hội chính thức tranh tài.
Trường bắn súng quốc gia nằm trong Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội đã hoàn tất công tác nâng cấp sửa chữa, lắp đặt các thiết bị điện tử và được chính các xạ thủ đội tuyển nhìn nhận là nơi đạt tiêu chuẩn không kém các trường bắn quốc tế ở các quốc gia tại châu Á. Chuẩn bị cho SEA Games 31, trường bắn súng quốc gia được trang bị tất cả bục bắn có thiết bị điện tử cùng bia điện tử. Tại buổi thị sát trực tiếp trường bắn súng quốc gia ngày 19/3, đại diện các đoàn thể thao của Đông Nam Á đã đánh giá cao cơ sở vật chất mà chủ nhà Việt Nam chuẩn bị cho môn bắn súng.
Tại SEA Games 31, đội tuyển bắn súng Việt Nam sẽ tham dự 20 nội dung, đặt mục tiêu đứng vị trí số 1 toàn đoàn. Hiện tại, có 5 đội tuyển được dự báo sẽ cạnh tranh vị trí dẫn đầu, là: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore.