Đây là địa phương từng một thời được coi là “điểm nóng” về vấn đề người dân vượt biên trái phép sang lao động ở bên kia biên giới.
Hai năm trở lại đây, tình trạng lao động vượt biên trên địa bàn không chỉ giảm mà còn được ngăn chặn. Nếu năm 2015 có tới 76 trường hợp người dân vượt biên trái phép sang lao động ở bên kia biên giới thì năm 2017 chỉ còn vài trường hợp và đến hết quý I/2018 chính quyền xã không ghi nhận thêm trường hợp nào.
Có được kết quả đó là nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân cũng như khuyến khích, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập.
Với những người trở về, Đồn Biên phòng Huổi Luông vận động họ trở thành những tuyên truyền viên tại cơ sở về những hệ lụy khi vượt biên sang bên kia biên giới làm thuê: bị bóc lột sức lao động, tiền bạc, bị truy đuổi và thậm chí có những người phải bỏ mạng nơi đất khách quê người.
Đại úy Nguyễn Mạnh Linh, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Huổi Luông cho biết: “Nhận thức của người dân đối với vấn đề vượt biên lao động trái phép được nâng lên rõ rệt. Từ đầu năm đến nay, đơn vị chưa ghi nhận trường hợp nào vượt biên sang lao động ở bên kia biên giới. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã cử cán bộ xuống từng bản làm công tác “dân vận khéo”.
Đồng thời, Đồn Biên phòng Huổi Luông đã cùng cấp ủy, chính quyền vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng mở rộng diện tích trồng chuối. Hiện tại, trên địa bàn xã có hơn 900ha chuối, giá bán 1kg chuối thương phẩm dao động từ 12-18 nghìn đồng thì bà con cũng có nguồn thu tương đối lớn. Ngoài cây chuối, người dân trong xã còn trồng nghệ đen, thảo quả, lúa nước, ngô đem lại thu nhập ổn định hơn so với trước kia.
NGUYỄN TÙNG