Những lời hứa suông này, đang khiến niềm tin của không ít người dân bị bào mòn.
Còn nhớ cách đây không lâu, Báo Dân tộc và Phát triển nhận được lá đơn của người dân thôn Yên Phú, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) phản ánh, từ những năm 90, chính quyền huyện và xã vận động người dân đóng góp tiền làm đường điện 04KV, với lời hứa sau này, ngành Điện sẽ trả lại tiền. Theo đó, hàng trăm hộ dân đã đóng tiền, có hộ phải vay ngân hàng, nhưng hơn 20 năm nay, họ không nhận lại được tiền. Hay như, doanh nghiệp ở Gia Lai đã hứa bao tiêu sản phẩm cà phê VietGap cho người dân nhưng đến khi thu hoạch lại chẳng thấy đâu.
Khi được hỏi về nguyên nhân, nhiều cán bộ, doanh nghiệp cho rằng, tình trạng này xảy ra từ các nhiệm kỳ trước, rằng không có giấy tờ văn bản nào ký kết với người dân… và sẽ còn 1001 lý do “hợp lý” khác.
Còn về phía người dân, họ chỉ có một căn cứ duy nhất là lời hứa. Đây là một căn cứ pháp lý rất yếu, nhưng cũng đáng để cho chúng ta nhiều điều phải suy nghĩ. Sức mạnh từ lời hứa của chính quyền tỷ lệ thuận với niềm tin của nhân dân. Ví như câu chuyện về đường dây điện nông thôn, rõ ràng trước đây người dân đã rất tin vào chính quyền, vì tin nên họ không cần văn bản ràng buộc, vì tin nên họ sẵn sàng vay ngân hàng đóng tiền cho ngành Điện. Người dân tin vào chính quyền, doanh nghiệp nên mới đầu tư sản xuất cà phê VietGap. Có thể, người dân không đủ hiểu biết pháp luật, lại đứng ở phía yếu thế nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Thế nhưng, những “ông chủ” của lời hứa cần biết rằng, người dân có thể mất đi một vài triệu đồng, vài vụ cà phê. Nhưng thứ mà cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp mất đi tuy vô hình nhưng lớn hơn rất nhiều, đó là niềm tin của người dân.
KẺ SĨ