Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ dành khoảng 10 ngày cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng thời gian của kỳ họp). Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 05 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo về kinh tế - xã hội (KT-XH) ngân sách nhà nước; Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Xem xét việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông…
Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030…
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên toàn thể; quyền chất vấn của các đại biểu Quốc hội vẫn được thực hiện bằng cách gửi văn bản, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ trả lời theo quy định.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng ngày 20/5/2020 và bế mạc vào ngày 18/6/2020. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 19 ngày (không kể ngày nghỉ).