Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 2/11, đã có 224.506.012 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 18.278.953 ca bệnh đang điều trị, có 18.205.593 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 73.360 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 223 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 40.402 ca nhiễm mới, Nga là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Anh (40.077 ca) và Mỹ (32.821 ca). Cùng với đó, Nga cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 1.155 ca, sau đó là Romania (311 ca) và Bulgaria (310 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 79.457.371 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 2/11, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong một ngày qua, châu lục này ghi nhận thêm 81.246 ca nhiễm mới và 974 ca đã tử vong do COVID-19. Trong ngày qua, 3 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 mới cao nhất tại châu Á là: Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Thái Lan với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận là 28.678; 9.857 và 8.165 ca; và 3 quốc gia có số trường hợp mới tử vong cao nhất là: Thổ Nhĩ Kỳ (217 ca); Iran (153 ca) và Philippines (104 ca).
Trong ngày qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 190.650 ca nhiễm và 2.811 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 64.713.440 ca nhiễm mới và 1.305.283 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Nga, Anh và Ukraina có số ca nhiễm mới trong ngày qua nhiều nhất tại châu Âu khi có thêm lần lượt 40.402; 40.077 và 13.936 ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận. Trong khi đó, Nga là nước có số ca mới tử vong vì COVID-19 trong ngày qua cao nhất khu vực, với 1.155 ca, tiếp sau đó là Romania (311 ca) và Bulgaria (310 ca).
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 56.315.834 ca, trong đó có 1.148.931 ca tử vong và 45.028.403 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, với 32.821 ca nhiễm và 305 ca tử vong mới vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico với 1.446 ca và Canada với 978 ca nhiễm mới; và Mexico với 89 ca tử vong mới vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 8.729 ca nhiễm và 190 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 38.428.420 ca và 1.170.696 ca tử vong. Trong ngày qua, Brazil là nước có số ca nhiễm nhiều nhất khu vực khi có thêm 3.838 ca nhiễm mới, sau đó là Chile với 1.738 ca, Colombia với 1.590 ca nhiễm mới. Đồng thời, với 94 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau là Argentina với 39 ca và Colombia với 30 tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 2/11, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.576.736 ca, trong đó có 218.920 ca tử vong và 7.913.564 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 2.922.222 ca nhiễm và 89.179 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 106 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 946.283 và 712.776 ca nhiễm bệnh cùng 14.678 và 25.244 ca tử vong do COVID-19.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 312.267 ca nhiễm (tăng 1.862 ca) và 3.725 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 9 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trong khu vực trên trang worldometers.info hiện là Australia với 1.572 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 172.030 ca, trong đó 1.743 ca tử vong (tăng 8 ca).
Sau gần hai năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn, khiến số ca nhiễm mới vẫn không ngừng gia tăng.
Trong bối cảnh đó, các quốc gia đang đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 1/11 đã kêu gọi nhà chức trách tất cả các bang trong cả nước mở cửa trở lại các trung tâm tiêm chủng nhằm đẩy nhanh tỷ lệ tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi./.