Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Mỹ với 574.840 ca tử vong trong tổng số 31.802.772 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 348.934 ca tử vong trong số 13.375.414 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ ba với 168.467 ca tử vong trong số 13.205.926 bệnh nhân.
Tại Czech, chính phủ đã quyết định không gia hạn tình trạng khẩn cấp sau khi hết hiệu lực vào ngày 11/4 và thận trọng nới lỏng dần các biện pháp hạn chế. Thời gian gần đây, số lượng ca mắc COVID-19 mỗi ngày tại Czech đã bắt đầu giảm, từ trên 14.000 ca/ngày vào cuối tháng 2 xuống gần 6.000 ca/ngày vào cuối tháng 3. Theo số liệu của Bộ Y tế Czech, ngày 9/4 nước này ghi nhận gần 4.800 ca mắc COVID-19. Số lượng ca mắc COVID-19 phải nhập viện đã giảm xuống hiện còn gần 5.900 ca, trong đó gần 1.300 ca trong tình trạng nghiêm trọng.
Còn Slovenia thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp phòng dịch và ngừng áp dụng giới nghiêm từ ngày 12/4 tới. Theo quy định mới, từ đầu tuần tới, trường tiểu học và trung học sẽ nối lại các buổi học trực tiếp, trong khi các cửa hiệu và cửa hàng dịch vụ quy mô nhỏ sẽ được mở lại. Đeo khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc trong không gian kín hoặc ở nơi có đông người.
Trong khi đó, Italy thông báo chấm dứt các biện pháp phong tỏa từ tuần tới tại tâm dịch Lombardy và một số vùng khác có số ca nhiễm giảm. Italy là một trong những nước bị ảnh hưởng của dịch nặng nề nhất châu Âu, với hơn 113.500 ca tử vong. Số ca nhiễm mới ở nước này đã giảm hơn 11% trong tuần kết thúc ngày 6/4, song số ca phải điều trị tích cực vẫn rất nhiều. Hiện Italy vẫn đang xúc tiến chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 và đến nay đã tiêm 12,3 triệu liều cho 3,8 triệu người (hơn 6% dân số).
Tại châu Á, tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ vẫn rất nghiêm trọng sau khi nước này ghi nhận thêm 145.384 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua và số ca tử vong mới (794 ca) ở mức cao nhất trong vòng 5 tháng, trong bối cảnh nước này đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ hai. Riêng tại bang Maharashtra có số ca nhiễm cao nhất Ấn Độ, chính quyền bang phải ban bố phong tỏa trong hai ngày cuối tuần. Bang này đã phải đóng cửa các quán ăn, trung tâm mua sắm, nơi cầu nguyện và cấm hầu hết mọi người di chuyển nhằm kiểm soát dịch trước nguy cơ các bệnh viện quá tải và thiếu vaccine. Lệnh phong tỏa sẽ có hiệu lực đến sáng sớm 12/4.
Tại Campuchia, chính quyền thủ đô Phnom Penh thông báo phong tỏa 14 ngày đối với một số khu vực ở thủ đô khi các ca nhiễm mới COVID-19 tiếp tục tăng mạnh tại đây. Những nơi bị phong tỏa ở Phnom Penh gồm các phường Steung Meanchey I và II (quận Meanchey), làng Troung Man (quận Sen Sok) và 7 làng thuộc quận Pou Senchey. Thời gian phong tỏa có hiệu lực từ ngày 10-23/4. Trong thời gian phong tỏa, mọi hoạt động đi lại và tụ tập bị hạn chế nghiêm ngặt, trừ các tình huống khẩn cấp. Chỉ có kinh doanh các mặt hàng thiết yếu được mở cửa dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương.