Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cho thấy trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 226.430 ca nhiễm và 1.066 ca tử vong do COVID-19.
Ngoài ra, hiện toàn thế giới có 631.857.796 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Trong số 19.570.735 ca bệnh đang điều trị, có 19.532.640 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,8%) và 38.095 ca (chiếm 0,2%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 228 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong bối cảnh sự lây lan của COVID-19 chưa có dấu hiệu dừng lại thì những biện pháp kiểm soát và phòng bệnh trở nặng vẫn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước trên thế giới, song song với các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và mở cửa nền kinh tế. Mới đây, trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố một nghiên cứu cho thấy các vaccine tăng cường mới phòng ngừa biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đạt hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nguy cơ người cao tuổi phải nhập viện do mắc COVID-19. Theo nghiên cứu của CDC, các vaccine tăng cường mới phòng ngừa Omicron giúp giảm tới 84% nguy cơ phải nhập viện vì COVID-19 ở người từ 65 tuổi trở lên so với nhóm không tiêm phòng. Những người cao tuổi tiêm mũi vaccine này hạn chế được 73% nguy cơ nhập viện so với những người chỉ tiêm 2 mũi hoặc nhiều hơn 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 gốc - những vaccine chưa được phát triển để nhắm mục tiêu vào biến thể Omicron.
Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 241.530.340 ca, trong đó có 1.973.599 ca tử vong và 235.347.069 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu Âu ghi nhận thêm 24.022 ca nhiễm mới và là khu vực có số ca mắc COVID-19 mới cao đứng thứ ba thế giới.
Trong khi đó, châu Á vẫn cũng ghi nhận tổng số ca nhiễm COVID-19 ở mức cao, với 203.608.415 ca. 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 135.966 ca nhiễm mới (đứng đầu thế giới) và 481 ca mới tử vong do dịch bệnh này.
Theo số liệu thống kê trên worldometers.info, trong 24 giờ qua, Nhật Bản đứng đầu thế giới về số ca nhiễm mới, với 70.921 trường hợp.
Hiện Bắc Mỹ có 120.542.675 ca mắc bệnh, trong đó có 1.573.095 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực với tổng số 101.797.630 ca nhiễm và 1.113.110 ca tử vong vì COVID-19. Các quan chức y tế công cộng đã nhiều lần cảnh báo rằng nước Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới khi thời tiết trở lạnh hơn cũng như do người dân đi du lịch và tụ tập trong các kỳ nghỉ lễ lớn. Các quan chức Nhà Trắng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bất kỳ khả năng gia tăng số ca mắc, đồng thời lưu ý rằng việc tiêm chủng rộng rãi đã khiến virus SARS-CoV-2 giảm độc lực hơn nhiều so với hai năm trước.
Tính đến sáng 20/12, Nam Mỹ có 66.284.593 ca nhiễm COVID-19, với 1.339.203 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 35.943.720 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Còn tại châu Phi, tổng số ca nhiễm COVID-19 là 12.731.490 trường hợp, trong đó có 258.289 ca tử vong và 12.029.846 ca bình phục. Hiện Nam Phi đang đứng đầu khu vực về tổng số ca nhiễm COVID-19 với 4.046.603 ca.
Ngày 19/12, Hiệp hội khởi động nhanh điều trị COVID-19 đã lần đầu tiên chuyển giao lô Paxlovid - một loại thuốc điều trị COVID-19 đường uống mới do hãng dược phẩm Pfizer sản xuất, đến Zambia. Hiệp hội dự định sẽ phân phối 100.000 liệu trình thuốc do Pfizer tài trợ cho các quốc gia như Ghana, Kenya, Malawi, Nigeria, Rwanda, Nam Phi, Uganda, Zambia, Zimbabwe ở châu Phi và Lào ở châu Á.
Hiện nay, Paxlovid được đánh giá là thuốc điều trị COVID-19 đường uống hàng đầu nếu được sử dụng trong vòng vài ngày sau khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng virus này, giúp giảm tử vong, giảm các bệnh và triệu chứng kéo dài hậu COVID.
Ở thời điểm hiện tại, châu Đại Dương có 13.439.435 ca nhiễm COVID-19, với 22.948 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực với 10.975.374 ca, tiếp theo sau là New Zealand với 2.062.384 ca./.