Em Triệu Thanh Hiếu (đứng thứ 5 từ trái sang, sinh viên năm ba, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, nhóm Dao Quần chẹt tại tỉnh Hòa Bình)Tri thức - hành trang để vươn lên
Nhớ lại những ngày đầu tưởng chừng đã muốn bỏ cuộc khi đặt chân đến Thủ đô Hà Nội: lạc lõng, mất phương hướng, không biết nhờ cậy vào ai, thậm chí phải lang thang ngoài đường phố, Triệu Thanh Hiếu (sinh viên năm ba, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, nhóm Dao Quần chẹt tại Hòa Bình) vẫn không khỏi bồi hồi khi nhắc về sự kiên quyết của chính mình: “Điều giúp mình vững tâm để tiếp tục con đường học tập khi ấy là ba điều. Thứ nhất: phải nhớ rõ lí do tại sao mình lại bước vào, theo đuổi con đường học tập. Thứ hai: chủ động tìm kiếm kết nối để nhận được những hướng dẫn, lời khuyên kịp thời. Thứ ba: Thích nghi với hoàn cảnh và thay đổi kế hoạch sinh hoạt, tham gia hoạt động cộng đồng sao cho hài hòa với việc học”.
Em Phàn Thị Ngọc Ánh (sinh viên năm 4, trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, nhóm Dao đỏ ở Lào Cai)Cũng đối mặt với thử thách to lớn khi buộc phải vay tiền để nuôi ước mơ theo đuổi con chữ, Phàn Thị Ngọc Ánh (sinh viên năm 4, trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, nhóm Dao đỏ tại Lào Cai) vẫn giữ trọn nhiệt huyết:
“Đứng trước nỗi lo của người thân, họ hàng rằng sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, chính sự ủng hộ của bố mẹ đã trở thành động lực để mình quyết tâm đi xuống Hà Nội tiếp tục hành trình học tập, vượt qua hai năm đầu đầy khủng hoảng. Hiện tại, mình đang cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi đã có thể cân bằng được ba việc cùng lúc là học tập - tài chính - công tác cộng đồng, xã hội”.
Với động lực to lớn từ bản thân, sự ủng hộ của gia đình, nhà trường, và đặc biệt là sự tiếp sức từ các hội nhóm gắn bó với cộng đồng như Người Dao Việt Nam – Gắn kết từ bản sắc; Sinh viên dân tộc Dao tại Hà Nội…, hai bạn nêu trên đã cùng rất nhiều bạn trẻ người Dao không chỉ vượt qua những khủng hoảng ban đầu khi đặt chân đến Thủ đô đi tìm con chữ, mà còn vươn lên trở thành những gương mặt tiêu biểu trên các lĩnh vực: tích cực tham gia hoạt động cộng đồng, đạt được học bổng, giải thưởng giá trị trong và ngoài nhà trường.
Quan trọng hơn hết, các bạn chính là những mầm xanh đang âm thầm tiếp nối và làm sống động một cốt lõi văn hóa đã thấm sâu, định hình nên bản sắc độc đáo của đồng bào Dao trên dải đất Việt Nam. Đó là tinh thần học tập không ngừng để vươn lên, để gìn giữ, và để cống hiến.
Người Dao Việt Nam – Gắn kết từ bản sắc; Sinh viên dân tộc Dao tại Hà Nội, hai trong số những hội nhóm đang trợ giúp tích cực cho các bạn học sinh, sinh viên Dao đang theo đuổi con đường tri thức, giữ vững tinh thần ham học của dân tộc. (Ảnh: Sinh viên dân tộc Dao tại Hà Nội)Một nền văn hóa học tập
Thông qua quá trình phỏng vấn xây dựng loạt bài, ba nhà nghiên cứu văn hóa Dao – Tiến sĩ Nguyễn Anh Cường (Nguyên Trưởng khoa Văn hóa các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng (Viện Văn hoá và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) và Tiến sĩ Triệu Thị Nhất (Khoa Quản trị Du lịch & Ngôn ngữ Quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) – đều có chung nhận định rằng:
Trong dòng chảy lịch sử đầy biến động, người Dao đã hình thành tinh thần học tập như một phương thức sinh tồn. Họ học để ứng biến với hoàn cảnh, gìn giữ bản sắc và vươn lên. Dưới ảnh hưởng sâu sắc của một Đạo giáo đã hòa quyện cùng hệ giá trị truyền thống, việc học không chỉ diễn ra trong trường lớp, mà thấm đẫm trong nghi lễ, nghề thủ công, y thuật… và cả nếp sống thường nhật.
“Hiếu học không chỉ dừng ở đàn ông với bộ kinh điển Nôm Dao, phụ nữ Dao cũng được tạo điều kiện để học. Không phải vô cớ mà ở một số cộng đồng Dao, những nghệ nhân bảo tồn các đường kim mũi chỉ họa tiết trang phục, làn điệu Páo Dung, múa chuông, những thầy thuốc uy tín nhất… lại là phụ nữ”, Tiến sĩ Nguyễn Anh Cường cho biết thêm.
Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019 do chính những người phụ nữ làm nòng cốt. (Ảnh: Triệu Thị Nhất)Cứ như vậy, học trở thành một bản năng văn hóa, đến nhẹ nhàng, tự nhiên như hơi thở, không phải vì áp lực, mà vì gắn bó máu thịt với đạo lý sống, biết ơn tổ tiên - gắn bó với núi rừng - vì cộng đồng. Với người Dao, tri thức không tách rời cuộc sống, mà lớn lên từ chính sự sẻ chia giữa người với người, người với tự nhiên.
Chị Chảo Yến, cô gái người Dao đầu tiên dành học bổng Châu ÂuChảo Thị Yến, cô gái Dao đến từ tỉnh Lào Cai, từng giành học bổng Erasmus (một trong những học bổng toàn phần danh giá nhất ở châu Âu), đã khơi gợi một bức tranh đùm bọc đậm tình làng nghĩa xóm, động lực khiến chị quyết định trở về cống hiến sau hành trình du học tại Đức: “Điều này thể hiện qua cuộc sống hằng ngày, như đi làm đồng đổi công cho nhau, các đám hiếu hỉ là cả bản giúp nhau. Hay như xóm tôi, một nhà mổ gà là cả xóm được ăn. Có món rau rừng gì ngon cũng chia nhau. Đặc biệt, người Dao có món canh óc đậu, nếu như một nhà làm, thì chủ nhà sẽ tự lấy bát tô múc để chia cho hàng xóm mỗi nhà một bát. Có lẽ vì từ nhỏ chúng mình sống trong môi trường như vậy, nên với chúng mình, thường là nếu mình có, mình sẽ sẻ chia”.
Một bức tranh cả dân tộc học tập, cứ như vậy được người Dao dựng xây, trẻ em ngay từ khi còn thơ đã ngồi vạch đất, viết những chữ và bộ thủ Nôm Dao cơ bản đầu tiên. Người lớn nghiên cứu lễ cúng, thuốc thang để ghi chép, lưu truyền cho mai sau. Phụ nữ cũng học để quán xuyến gia đình, lao động sản xuất, thậm chí tham gia vào các phận sự trọng đại của bản. Những ai có tài, có chí hướng nhìn xa trông rộng cũng chủ động đi thật xa, tìm kiếm kiến thức mới.
Nghệ nhân Ưu tú Tẩn Vần Siệu đang hướng dẫn các em nhỏ học chữ Nôm Dao, thực hành những nghi thức cúng bái đầu tiên trong đờiMột nền văn hóa học tập đã thấm vào từng ngóc ngách của đời sống, khiến việc học không còn là gánh nặng, mà trở thành một lẽ sống tự nhiên. Bởi người Dao hiểu rằng, học để nuôi thân, nuôi trí, hơn thế nữa là để phụng sự bản làng, vun bồi cho mạch nguồn văn hóa không bao giờ cạn. Tri thức, dù là cổ truyền hay hiện đại, đều được tiếp nhận, trân quý và trao truyền như một phần trong bề dày hình thành và phát triển của dân tộc.

Trong một hệ thống đã tạo nên nền văn hóa hiếu học của người Dao, ai nấy cũng đồng thuận rằng chữ Nôm Dao chính là nền tảng, là cốt lõi. Vậy chữ Nôm Dao là gì? Và điều gì đã khiến những nhà nghiên cứu lại có một sự đồng thuận nhất trí cao đến vậy?
Bài 2: Chữ Nôm Dao - làm mới để đồng hành cùng tương lai