Khơi dậy "mỏ vàng" du lịch thiên nhiên
Hòa Bình được thiên nhiên ban tặng một bức tranh phong cảnh độc đáo, nơi hòa quyện giữa sông nước, đồi núi và những cánh rừng nguyên sinh. Vùng đất này nổi tiếng với các danh thắng kỳ thú, như: Thác Bờ, hang Rết, động Hoa Tiên, khu rừng đầu nguồn Núi Cô, và thác Giăng. Trong đó, hồ Hòa Bình nổi bật như một tuyệt tác thiên nhiên, với 47 hòn đảo lớn nhỏ giữa mặt nước mênh mông, là nơi trú ngụ của nhiều loài động thực vật quý hiếm.
Tận dụng lợi thế cảnh quan hùng vĩ kết hợp văn hóa bản địa độc đáo, các hộ dân tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, tiêu biểu như gia đình ông Đinh Như Huê (ở xóm Kế, xã Hiền Lương) đã tiên phong phát triển dịch vụ homestay từ năm 2014. Với sự hỗ trợ về vốn và hướng dẫn phát triển du lịch cộng đồng, gia đình ông Huê đã chuyển đổi từ làm nông nghiệp bấp bênh sang kinh doanh du lịch bền vững.
"Dần dần phát triển thêm khách đến vào thứ Bảy, Chủ nhật, thu nhập bây giờ cũng ít thôi chưa phải là nhiều, trung bình tháng cũng được 30-40 triệu. Nói chung so với trước, khi làm du lịch cộng đồng thu nhập cũng cao hơn so với làm ngô khoai sắn" – ông Huê chia sẻ.
Sự thay đổi trong kinh tế của gia đình ông Huê tạo động lực cho nhiều hộ dân khác tại địa phương cùng tham gia phát triển kinh tế du lịch trên chính mảnh đất quê hương.
Đẩy mạnh du lịch cộng đồng và sinh thái
Nhận thức rõ tiềm năng thiên nhiên, tỉnh Hòa Bình đã tập trung phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao và văn hóa tâm linh. Các địa phương giàu bản sắc, như: Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn được đầu tư mạnh mẽ để trở thành điểm đến hấp dẫn. Đồng thời, tỉnh chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, từ trải nghiệm văn hóa dân tộc Mường, Thái, Dao, Tày, Mông, đến các hoạt động thể thao dưới nước, leo núi, và nghỉ dưỡng cao cấp.
Trong đó, Hồ Hòa Bình, với diện tích 52.000 ha (trong đó 8.000 ha mặt nước), được quy hoạch thành Khu du lịch quốc gia. Bức tranh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, với hàng chục hòn đảo và bán đảo giữa lòng hồ, là nền tảng cho các sản phẩm du lịch cao cấp, phục vụ mọi nhu cầu từ giải trí, thể thao đến nghỉ dưỡng.
Những nỗ lực từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân đã đưa du lịch Hòa Bình lên tầm cao mới. Năm 2023, tỉnh đón 3,8 triệu lượt du khách, tăng 21,5% so với năm trước, mang lại doanh thu 4.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, con số này đạt 2,6 triệu lượt, với 260.000 lượt khách quốc tế, báo hiệu một năm bứt phá ngoạn mục. Tỉnh đặt mục tiêu đón 4,2 triệu lượt khách cả năm, trong đó 500.000 lượt khách quốc tế, mang lại doanh thu hơn 4.600 tỷ đồng.
Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh: "Xây dựng các sản phẩm du lịch mới và hấp dẫn là chìa khóa kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách". Tỉnh đang triển khai các chiến lược lớn, như: Phát triển hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia, và nâng tầm vùng cao Tân Lạc thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030.
Bên cạnh đó, Hòa Bình ưu tiên cải thiện hạ tầng du lịch tại các khu trọng điểm như bến cảng, đường ven hồ, đồng thời thúc đẩy các chính sách đặc thù nhằm khuyến khích đầu tư từ doanh nghiệp. Chiến lược quảng bá du lịch hiện đại cũng được đẩy mạnh trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo, kết hợp với ứng dụng công nghệ số và phủ sóng wifi miễn phí tại các điểm du lịch.
Đặc biệt, tỉnh Hoà Bình chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành du lịch trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững. Với hướng đi đúng đắn, du lịch Hòa Bình đang trở thành động lực quan trọng, góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển vượt bậc.