Trên cơ sở đó, chính quyền các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp để người dân thoát nghèo bền vững.
Những năm trước đây, một số thôn buôn của xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) như Buôn Zô, thôn 2/4, thôn Tân Sơn... là những vùng đặc biệt khó khăn. Đường đi chủ yếu là đường đất, “nắng bụi, mưa bùn” gây nhiều cách trở cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.
Nhờ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, đến nay các thôn này đã khoác trên mình “tấm áo mới”, thoát khỏi tình trạng đói nghèo.
Ông Nguyễn Minh Gia Nho, Chủ tịch UBND xã Ea Ly cho biết: Từ nguồn vốn lồng ghép các chương trình và chính sách cho vùng miền núi, thôn 2/4 đã được nâng cấp tuyến đường 1,1km, với kinh phí 936 triệu đồng. Công trình này đã giúp cho việc đi lại phục vụ sản xuất của 90 hộ dân (chuyên canh 184ha mía) được thuận lợi.
Bên cạnh đó, Buôn Zô, thôn Tân Sơn cũng được đầu tư xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, hỗ trợ sản xuất… Cơ sở vật chất được đầu tư, người dân cũng dần thay đổi tập quán sản xuất nên tỷ lệ hộ nghèo ở các thôn này giảm đáng kể, từ trên 50% đã giảm xuống còn dưới 40%.
Có thể nói, sự thay đổi của các thôn, buôn khó khăn đã kéo cả xã Ea Ly thay đổi trở thành xã nông thôn mới. “Năm 2011, xã Ea Ly còn nhiều khó khăn với hạ tầng cơ sở thiếu, yếu, các tuyến đường thôn, buôn, liên xã chưa được cứng hóa, trường mầm non cũ nát, 6/6 thôn chưa có nhà văn hóa.
Thu nhập bình quân chỉ ở mức 11 triệu đồng/người/năm… Nhưng đến nay, 16/16km đường trục xã được cứng hóa, trên 80% đường thôn, buôn và trên 87% đường nội đồng được bê tông hóa.
Các thôn có nhà văn hóa, phòng học trong các trường được xây mới. Hiện xã có trên 90% trong tổng số hơn 4.000 người ở độ tuổi lao động có việc làm, gần 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Thu nhập của người dân tăng từ 29 triệu đồng năm 2016 lên 31,9 triệu đồng.”, ông Nguyễn Minh Gia Nho phấn khởi thông tin.
Việc thực hiện chính sách định canh định cư cho đồng bào DTTS theo Quyết định 33/2007 của Thủ tướng Chính phủ cũng đang giúp người dân vùng miền núi, đặc biệt là đồng bào DTTS nghèo ở Phú Yên có chỗ ở an toàn.
Theo ông Lê Liên, Người uy tín ở buôn Mả Vôi, xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh), trước đây, đồng bào Ê-đê buôn Mả Vôi sống quy tụ ven sông Ba để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, dễ bị lũ quét nguy hiểm đến tính mạng người dân. Để bảo đảm an toàn cho các hộ dân, chính quyền các cấp đã xây dụng khu tái định cư, khang trang, đường bê tông xi măng, có nhà văn hóa, có hệ thống lưới điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Nhờ đó, đời sống của bà con thay đổi đáng kể.
Điều phấn khởi là, mặc dù nhiều thôn, buôn đã thoát khỏi tình trạng khó khăn, nhưng chính quyền các cấp vẫn ưu tiên đầu tư cho các buôn, thôn nhằm giúp các thôn, buôn có nền tảng vững chắc để phát triển. Theo UBND tỉnh Phú Yên, năm 2018, toàn tỉnh có 16 xã và 29 thôn, buôn đặc biệt khó được thụ hưởng Chương trình 135.
Những đơn vị này sẽ được phân bổ hơn 29,2 tỷ đồng từ chương trình này. Trong đó, UBND tỉnh đầu tư hơn 23 tỷ đồng vào xây dựng hạ tầng cơ sở, duy tu bảo dưỡng các công trình; 5,6 tỷ đồng cho hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Ban Dân tộc tỉnh nhận 600 triệu đồng để nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Riêng 2 huyện Sông Hinh, Đồng Xuân được đầu tư gần 71,6 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 30a.
PHƯƠNG LÊ