Ông Hoàng Văn Thanh ở xóm 9, xã Triệu Vân cho biết: Mặc dù, gia đình sống ở vùng bãi ngang nhưng cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào trồng lúa và các loại cây hoa màu khác. Gia đình ông Thanh có 10 sào đất trồng lúa.
Những năm trước, với diện tích này sẽ đảm bảo lương thực cho gia đình. Tuy nhiên, vụ đông-xuân năm nay do mưa ít, nước mặn từ biển xâm nhập vào nên nhiều diện tích lúa bị chết, số còn lại phát triển kém. Nếu thời tiết và nước mặn tiếp tục xâm nhập thì nguy cơ thiếu lương thực trong các năm tiếp theo là điều khó tránh khỏi.
Theo ông Thanh, đa phần diện tích trồng lúa của các hộ dân trong thôn đều bị ảnh hưởng. Nhiều gia đình phải gieo cấy lại lần thứ 3 mà vẫn không đảm bảo được cây lúa sẽ sống được 100%. Với tình hình này thì diện tích đất nông nghiệp của xóm bị bỏ hoang ngày càng nhiều người dân sẽ thiếu sinh kế để làm ăn...
Điều mà người dân lo lắng nữa là, ngoài cây lúa, hàng loạt các loại cây trồng khác cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp do thiếu nước tưới. Ông Nguyễn Văn Chỉnh ở xóm 9 cho biết: Gia đình có 3 sào ngô và đậu xanh. Vụ đông-xuân năm nay xem như cây lúa mất trắng, chỉ hy vọng vào cây đậu xanh và ngô. Tuy nhiên, nguồn nước bị mặn xâm nhập thiếu nước tưới nên năng suất ngô và đậu xanh giảm một nửa (từ 8 tạ đậu/ha, nay chỉ đạt 4 tạ/ha).
Nước mặn xâm nhập còn dẫn tới việc thiếu nước phục vụ sinh hoạt; nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất lớn. Ông Hoàng Văn Mãi, Xóm trưởng xóm 9 lo lắng: toàn bộ diện tích lúa nước và đất trồng cây ngắn ngày của người dân xóm 9 có nguy cơ bị bỏ hoang. Muốn chuyển hướng sang chăn nuôi, nhưng cũng gặp khó khăn do thiếu nguồn nước ngọt nên cũng khó thực hiện được. “Nguy cơ phát sinh các dịch bệnh ngoài gia, dịch tả luôn rình rập bà con”, ông Mãi nói.
Ông Trần Bình Huỳnh, Chủ tịch UBND xã Triệu Vân, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có 5 điểm vào mùa mưa bão, nước biển dễ dàng tràn vào gây nhiễm mặn đất sản xuất là các thôn 7, 8 và 9. Cụ thể có khoảng 138ha diện tích đất trồng lúa; 40ha đất trồng màu của nông dân chỉ canh tác được duy nhất vụ đông-xuân, còn vụ hè-thu đất bị bỏ hoang hoàn toàn, vì nếu trồng cây sẽ bị chết cháy do đất nhiễm mặn và khô hạn.
“Thiếu nước phục vụ sản xuất; gặp mùa biển động, người dân không có việc làm thêm, tình trạng các hộ thiếu lương thực phải đi vay mượn đang diễn ra thường xuyên tại địa phương…”, Chủ tịch xã Trần Bình Huỳnh cho hay.
Cũng theo Chủ tịch xã Trần Bình Huỳnh, hằng năm xã đều trích một phần kinh phí cùng với người dân gia cố lại tuyến đê ngăn mặn ven biển. Nhưng vì chủ yếu làm đắp, gia cố bằng cọc tre, bao cát nên hiệu quả không cao, dễ bị sạt lở khi có sóng lớn. Còn để xây dựng tuyến đê kè và đập ngăn mặn kiên cố thì nguồn lực của địa phương không thể thực hiện được.
Tình trạng mặn xâm nhập vào ruộng đồng làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân là thực tế đang diễn ra xã Triệu Vân. Vấn đề đặt ra, chính quyền huyện Triệu Phong và tỉnh Quảng Trị cần quan tâm sớm có giải pháp, trong đó, cần ưu tiên nguồn lực để đầu xây dựng hệ thống đê kịp thời ngăn mặn xâm nhập sâu, bảo vệ diện tích đất nông nghiệp, giúp người dân yên tâm sản xuất đảm bảo cuộc sống..
MINH THỨ