Ngày 10/5, Google Doodle đã đăng tải hình ảnh Giáo sư Tôn Thất Tùng với lời khen ngợi: "Cảm ơn ông đã phá bỏ những giới hạn của phẫu thuật để thay đổi vĩnh viễn y khoa".
Khi truy cập Google, người dùng sẽ thấy hình ảnh của Giáo sư Tôn Thất Tùng ngay chính giữa giao diện của trang tìm kiếm thông tin trực tuyến. Với một cú click chuột, Google sẽ dẫn người dùng tới các thông tin cá nhân và những điểm nhấn trong sự nghiệp y khoa của vị giáo sư đáng kính này nhân Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông (10/5/1912).
Giáo sư Tôn Thất Tùng là người đầu tiên thực hiện nghiên cứu tỉ mỉ về gan. Nǎm 1958, ông là người thực hiện ca mổ tim đầu tiên ở Việt Nam. Kiến thức sâu rộng về giải phẫu gan đã giúp ông nhận ra phương pháp phẫu thuật gan truyền thống - một phương pháp cần từ 3-6 giờ để hoàn tất - là rủi ro và rườm rà không cần thiết, và theo đó ông đã nghiên cứu để tìm hướng đi mới.
Trong những năm 1960, ông đã nghiên cứu thành công phương pháp cắt gan có kế hoạch, thường được gọi là "phương pháp mổ gan khô" hay "phương pháp Tôn Thất Tùng". Đây là phương pháp phẫu thuật mới giúp giảm chảy máu bằng cách thắt chặt các tĩnh mạch gan trước ca mổ, rút ngắn thời gian ca mổ xuống còn 4-8 phút. Kỹ thuật đột phá của ông được các bác sĩ phẫu thuật trên toàn cầu sử dụng bởi có khả năng giảm mất máu và cứu sống rất nhiều sinh mạng.
Chỉ tính riêng 10 năm, từ năm 1936 đến năm 1945, Giáo sư Tôn Thất Tùng đã công bố 63 công trình trên các tạp chí y học của Pháp.
Từ năm 2000, Nhà nước Việt Nam đặt ra một giải thưởng về Y học mang tên ông: Giải thưởng Tôn Thất Tùng. Tên ông được đặt cho nhiều con đường trong cả nước, trong đó đặc biệt là con đường đi qua Đại học Y Hà Nội - nơi ông từng học và đào tạo ra những bác sĩ ngoại khoa tài năng.