Khác với hình ảnh mọi năm, các bạn trẻ trên cả nước tập trung tại các thành phố lớn cùng nhau đi bộ, đạp xe diễu hành hưởng ứng Giờ Trái đất, thay vào đó, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam- đơn vị tổ chức sự kiện dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức truyền thông trực tuyến, kêu gọi người dân, các tổ chức, doanh nghiệp hưởng ứng tắt điện trong 1 giờ (từ 20h30 đến 21h30 ngày 28/3) cho Giờ Trái đất 2020.
Năm 2020, lần đầu tiên Chiến dịch Giờ Trái đất Việt Nam được thực hiện online đã thu hút hơn 80.000 tình nguyện viên tham gia.
Chiến dịch triển khai ngay từ đầu tháng 3/2020 với nhiều hoạt động online. Các tình nguyện viên ghi hình chuyển về cho Ban Tổ chức những hoạt động bảo vệ môi trường tại khu vực dân cư, gia đình mình sinh sống. Rất nhiều hoạt động môi trường được các bạn thực hiện như vấn đề bảo vệ nguồn nước, thực hiện phân loại rác tại nguồn, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường sống, giảm thiểu sử dụng nhựa, ưu tiên sử dụng sản phẩm xanh... Ban Tổ chức đã tổng hợp từ hàng ngàn video clip gửi về thành những clip chung, có tính chất điển hình để phát trên Fanpage Giờ Trái đất Việt Nam.
Theo Ban Tổ chức, hoạt động bảo vệ môi trường đơn lẻ của tình nguyện viên ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bảo vệ môi trường của Chiến dịch Giờ Trái đất đến khắp Việt Nam. Điều này càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp. Mô hình tình nguyện viên online đã mở ra cơ hội để các bạn phát huy khả năng, sáng tạo theo cách riêng của mình trong bảo vệ môi trường.
Điểm mới trong nội dung truyền thông Chiến dịch Giờ Trái đất 2020 là chuyển từ vấn đề biến đổi khí hậu sang vấn đề mất đa dạng sinh học. Theo WWF, ngăn chặn suy thoái thiên nhiên và mất đa dạng sinh học là nền tảng xây dựng một hành tinh "khỏe mạnh", đồng thời là giải pháp tức thời ứng phó với các thảm họa khí hậu.
Với thông điệp “Thay đổi hành vi tiêu dùng vì một hệ sinh thái khỏe mạnh”, Giờ Trái đất 2020 kêu gọi người dân, doanh nghiệp chung tay cùng thực hiện: Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo; giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm nhựa một lần và chỉ sử dụng khi cần thiết; không sử dụng sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp.
Được biết, ngay từ đầu tháng 3, một chuỗi các hoạt động đã được WWF tổ chức nhằm kêu gọi người dân và toàn thể xã hội tham gia và hưởng ứng tắt đèn từ 20h30 đến 21h30 thứ Bảy, ngày 28/3/2020.
Theo đó, các hoạt động chính của Giờ Trái đất 2020 gồm: Chiến dịch truyền thông mạng xã hội bắt đầu từ 12/3 đến 28/3; toạ đàm ngày 28/3 trên kênh Truyền hình VTV1 với thông điệp của Thủ tướng; hoạt động kêu gọi cam kết trên trang web của WWF và tổng kết Chiến dịch từ 28/3 đến 4/4; truyền thông giáo dục công chúng thông qua 100 bức vẽ tại khu vực Hoàn Kiếm, Hà Nội; truyền thông màn hình tại các khu thương mại, khu dân cư; truyền thông qua người nổi tiếng - đại sứ của WWF.
Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2020 (từ 20h30-21h30), cả nước đã tiết kiệm được 436.000 kWh điện, tương đương khoảng 812,9 triệu đồng.