Gs.TSKH. Tô Ngọc Thanh - người có hơn 40 năm lặn lội, ở vùng DTTS. Bước chân ông rong ruổi hơn 60 nước trên thế giới. Những giây phút cuối đời, ở tuổi 90, Gs. Tô Ngọc Thanh vẫn đau đáu những trăn trở của ông về văn hóa và ngôn ngữ của các tộc người và nỗi lo văn hóa dân gian chỉ còn là cái bóng của quá khứ..
Nói tới ông, người ta kính trọng ông không phải vì ông là Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, mà bởi ông là một “pho tự điển sống”. Kiến thức uyên bác, tư duy sắc sảo, độc đáo cùng một bản lĩnh dám nói, dám làm, Gs.TSKH. Tô Ngọc Thanh lừng lững là cây đại thụ về văn hóa, âm nhạc dân tộc, văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam.
Nhớ lại chia sẻ của Gs.TSKH. Tô Ngọc Thanh: “25 tuổi, tôi vác ba lô lên Tây Bắc đi điền dã, bắt đầu cho hành trình của mình. Hơn 40 năm sống ở các vùng đồng bào dân tộc miền núi, tôi đến khoảng 15 tộc người, ở đâu, tộc người nào tôi cũng sống cùng họ, ở cùng họ, nói được ngôn ngữ của họ. Như với người Ba Na, tôi mất 7 năm ở đó, cũng đóng khố cởi trần, ăn ngủ cùng họ. Phương pháp của tôi là Insider (người trong cuộc). Khi tôi sang Mỹ tham dự hội nghị, với phương pháp nghiên cứu đó, họ hỏi tôi có biết hai thứ tiếng không. Tất nhiên rồi, vì không có hai thứ tiếng làm sao tôi thành người trong cuộc để có thể hiểu sâu về đời sống của họ được".
Việt Nam có 54 dân tộc, chia ra nhiều nhóm ngữ hệ khác nhau, như ngữ hệ Môn Khmer (có tộc người Ba Na, Ê Đê), nhóm Việt Mường (Thái, Tày...)... Mỗi ngữ hệ như thế, Gs.TSKH. Tô Ngọc Thanh chọn 1 dân tộc điển hình để nghiên cứu. Đầu tiên Ông ở với người Thái 12 năm, ông rất thông thạo tiếng Thái, vì phương pháp của ông là người trong cuộc. Có lẽ người Thái không hiểu văn hóa của họ bằng ông. Khi nghiên cứu về người Mông, ông nói được tiếng Mông, tiếng Dao.... Hơn 40 năm gắn bó và nghiên cứu của Gs.TSKH. Tô Ngọc Thanh đó là cả một kho tàng văn hóa dân gian phong phú. Nó mang vẻ đẹp lấp lánh của những huyền sử, của những biểu tượng.
Hơn nửa thế kỷ, Gs.TSKH. Tô Ngọc Thanh lặn lội khắp núi rừng, buôn, bản vùng Tây Bắc, Việt Bắc và Tây Nguyên thực hiện các đợt điền dã, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian.
Ông cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc, được coi là những “hạt vàng” trí tuệ, công bố rộng rãi ở trong nước và quốc tế. Tiêu biểu như: Công trình “Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc” (1969); tác phẩm “Âm nhạc dân gian Mường” (1971); “Âm nhạc Dân gian nhóm tộc người Nam Á ở Việt Nam” (1979); “Tìm hiểu Âm nhạc cổ truyền” - viết chung với nhạc sĩ Hồng Thao (1982); “Fonclo Bahna”, do ông chủ biên (1988); “Nhạc cụ các dân tộc thiểu số Việt Nam” (1995)...
Gs.TSKH. Tô Ngọc Thanh còn nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý, nâng cao, đưa vào đời sống văn hóa cộng đồng 12 tập dân ca phổ biến tiêu biểu của đồng bào các DTTS và 30 tập dân ca chuyên đề từng dân tộc. Đây là những công trình khoa học có sự thẩm thấu, những hạt vàng trí tuệ của vị Gs.TSKH. thông tuệ, am hiểu sâu rộng, có bề dày trải nghiệm cuộc sống thực tiễn...
Gs.TSKH. Tô Ngọc Thanh từng tâm sự: “Tôi sống gần 1 thế kỷ, chứng kiến nhiều đổi thay, biến thiên của thời cuộc. Tôi là một trí thức có suy nghĩ, có phân tích, đánh giá và phản biện. Tôi nghĩ rằng, văn hóa là một thực thể xã hội, có tính độc lập riêng của nó, không phải cái này thay đổi là lập tức nó thay đổi theo, vì thế nó đọng lại thành truyền thống. Giờ kinh tế thị trường, xã hội hiện đại, để tiện lợi, mọi cái đều thay đổi. Đi đâu tôi cũng tìm con người, có nhiều điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng đó là con người, là văn hóa. Dù muốn hay không muốn chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, cuộc sống thay đổi thì văn hóa cũng phải thay đổi, nhưng cái thay đổi đó có hợp lý với cuộc sống không, có phá vỡ các giá trị hay không, đó là lựa chọn của chính chúng ta...”.
Không chỉ nghiên cứu, phát hiện, phát huy vốn văn hóa dân gian, Gs.TSKH. Tô Ngọc Thanh còn là người dũng cảm đấu tranh bảo vệ sự nguyên vẹn, những giá trị bản sắc rất riêng của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc, ở nhiều diễn đàn. Ông tỏ ra rất buồn khi hiện nay, không ít người quản lý và làm văn hóa nhưng lại rất thiếu kiến thức về văn hóa; đặc biệt là văn hóa dân gian. Ông không đồng tình với quan điểm sân khấu hóa một số hình thức nghệ thuật dân tộc, như chèo mới, quan họ, ca trù... “Nếu môi trường sinh ra văn hóa cồng chiêng, quan họ... mất đi thì cồng chiêng chỉ còn là cái xác, chỉ còn giá trị nghệ thuật riêng rẽ. Cũng như quan họ làng không còn tình cảm liền anh liền chị, thì chỉ còn là những tiết mục”, ông chia sẻ.
Gs.TSKH. Tô Ngọc Thanh hội tụ đủ mọi tố chất của một nhà khoa học uyên bác khiến giới khoa học kính nể. Ông gắn bó gần như cả cuộc đời với đồng bào dân DTTS, có thể sử dụng 5 - 6 ngôn ngữ DTTS số thông thạo. Ông để lại nhiều dấu ấn ở vai trò Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.