Gần đây, Báo Dân tộc và Phát triển đăng tải bài viết “Thu hồi đất cấp sai đối tượng để giao lại cho dân nghèo tại Quỳ Châu: Chính quyền đẩy phần khó cho dân” . Bài viết phản ảnh tình trạng chính quyền huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An thu hồi hơn 90ha đất cấp sai đối tượng để giao lại cho 32 hộ nghèo thuộc bản Lè, xã Châu Hội. Thế nhưng, khi người dân tới nhận đất thì chủ cũ vẫn chưa chuyển đi.
Đáng buồn hơn, đây không phải lần đầu và cũng không còn là chuyện hy hữu trong vùng đồng bào DTTS. Báo Dân tộc và Phát triển nhiều lần đề cập tới vấn đề này trước đó, như bài báo “Bóc tách đất giao cho hộ đồng bào DTTS ở Khánh Hòa: Còn nhiều bất cập” . Trong bài viết này, lãnh đạo một số địa phương thừa nhận, đất mặc dù được cấp cho hộ DTTS nhưng không hoàn toàn là đất “sạch” , nhiều phần đất chủ rừng không chịu trả lại cho Nhà nước; hay bài “Làng tái định cư 10 năm chờ đất sản xuất, nước sinh hoạt” cũng phản ánh tình trạng tương tự ở bản Ia Bia, xã Ia Le, huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai…
Thiết nghĩ hộ nghèo, hộ DTTS là nhóm yếu thế, họ rất khó khăn trong việc tiếp cận thông tin đất đai cũng như pháp lý. Vì vậy, để tạo điều kiện cho họ thụ hưởng chính sách nói chung, đất đai nói riêng, cơ quan chức năng cần đảm bảo một số điều kiện cần thiết. Ví dụ như đối với đất đai, cần có quỹ đất đủ rộng về diện tích, đủ màu mỡ về chất lượng đi kèm là điều kiện giao thông, nước sản xuất…Tất nhiên, tổ chức đứng ra nhận trách nhiệm này không thể ai khác hơn là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, những đòi hỏi tưởng chừng đơn giản này lại là khá xa vời với thực tế. Bởi hiện nay, đến nhu cầu tối thiểu nhất là pháp lý đất đai còn chưa được đảm bảo. Với thực tế đó, không ít hộ đồng bào DTTS thiếu đất chẳng còn cách nào khác là đành canh tác “trên giấy” mà thôi.
Đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải đứng ra nhận trách nhiệm, nâng cao vai trò của mình trong việc giao đất giao rừng cho người DTTS. Cơ quan Nhà nước không chỉ làm mỗi nhiệm vụ là lập danh sách hộ thiếu đất sản xuất rồi cấp một mảnh đất nào đó trên giấy tờ mà cần sâu sát hơn. Họ cần là người “mở đường” cho người dân thực sự tiếp cận được đất đai. Có như vậy, sinh kế của người dân mới được đảm bảo làm tiền đề phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS.
KẺ SĨ