Nhiều rào cản
Trong thập kỷ qua, thành tựu giảm nghèo ở Việt Nam rất ấn tượng, dù được đo bằng bất kể phương pháp nào. Đây là điểm nhấn đáng chú ý trong “Báo cáo nghèo đa chiều 2021” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Ủy ban Dân tộc, Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tổng cục Thống kê (TCTK) thực hiện, được công bố hồi tháng 7/2022.
Theo Báo cáo này, nghèo đa chiều đã giảm liên tục và đáng kể, từ 18,1% năm 2012 xuống còn 4,4% năm 2021. Tỷ trọng thiếu hụt từ 3 chỉ số trở lên đã giảm mạnh. Năm 2020, 58,2% dân số không thiếu hụt bất kỳ chỉ số nào trong 10 chỉ số nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020; chỉ có 27,1% dân số thiếu hụt 1 chỉ số và 9,7% dân số thiếu hụt 2 chỉ số. Nhóm thiếu hụt trầm trọng là nhóm thiếu từ 5 - 7 chỉ số, đến năm 2020 chỉ còn 0,6%.
Đặc biệt, chiều thiếu hụt về thông tin (gồm 2 chỉ số) của cả nước, hết năm 2021 chỉ chiếm một tỷ lệ không lớn. Kết quả điều tra mức sống dân cư năm 2021 của TCTK cho thấy, chỉ có 2,0% hộ gia đình Việt Nam thiếu hụt về tiếp cận dịch vụ thông tin (sử dụng điện thoại, internet) và 4,5% thiếu hụt phương tiện tiếp cận thông tin (radio, tivi, máy tính,…).
Nhưng đây là mức bình quân chung cả nước; còn ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỷ lệ thiếu hụt về thông tin vẫn còn cao. Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS của TCTK, tại thời điểm tháng 4/2019, cả nước có gần 3,681 triệu hộ đồng bào DTTS thì mới có 61,3% hộ sử dụng internet, 92,5% hộ sử dụng điện thoại (cố định và di dộng); số hộ có tivi cũng mới chiếm 81,5%, số hộ sử dụng máy vi tính (máy bàn, laptop) chỉ đạt 10,3%.
Ngoài ra, do phần lớn đồng bào DTTS sinh sống tại các khu vực biên giới, vùng núi, nơi có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế nên còn nhiều rào cản khiến đồng bào DTTS gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin. Đồng thời, một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa không biết tiếng phổ thông cũng là rào cản khiến đồng bào DTTS khó tiếp cận thông tin thông qua các ấn phẩm in...
Việc hạn chế trong tiếp cận thông tin là một nguyên nhân trong công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nguy cơ tái nghèo luôn thường trực. Trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc nhận định, thực trạng nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là hộ nghèo người DTTS đang là một thách thức lớn. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS chiếm tới 61,29% tổng số hộ nghèo cả nước; thu nhập bình quân đầu người của đồng bào DTTS chỉ bằng 0,3 lần mức bình quân chung cả nước.
“Tăng giàu” thông tin
Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư ngày càng lớn. Đối tượng nghèo của Việt Nam đang diễn biến theo hướng tập trung vào DTTS. Một số nhóm DTTS có tỷ lệ hộ nghèo rất cao như: Ơ Đu, Co, Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, Kháng, Mông, Xơ Đăng… Vùng đồng bào DTTS và miền núi đang ngày càng bị tụt hậu so với sự phát triển chung của cả nước. Hộ nghèo dần dần chỉ còn là hộ người DTTS và có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Để đẩy mạnh công tác giảm nghèo, giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đồng thời triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG); ngoài ra còn có các chương trình, dự án dành riêng cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Do đó, việc đáp ứng nhu cầu dịch vụ thông tin của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi được nâng lên mức cao hơn so với giai đoạn trước.
Trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Tiểu dự án “Giảm nghèo thông tin” (thuộc Dự án 6) xác định việc tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho cộng đồng dân cư ở vùng đồng bào DTTS và miền núi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Tiểu dự án đặt mục tiêu đảm bảo 100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực này.
Ông Phí Mạnh Thắng - Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho rằng, một trong những nhiệm vụ trọng điểm trong giai đoạn tới là thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin để họ chủ động hơn trong việc tiếp cận chính sách, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo, từng bước hòa nhịp chuyển đổi số quốc gia.
“Đặc biệt, chuyển đổi số, phổ cập dịch vụ Internet, phổ cập mạng di động là những chỉ tiêu rất thiết thực với người dân, nhất là bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, cần mạnh dạn đặt mục tiêu phấn đấu 80 - 100% dân số đạt những chỉ tiêu này. Và người dân sống ở địa bàn nghèo đều có cơ hội sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet để có thông tin kiến thức, học tập kỹ năng, tham khảo các mô hình thoát nghèo, làm giàu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm mình làm ra”, ông Thắng khẳng định.
Trên thực tế, việc “tăng giàu” thông tin từ việc phổ cập dịch vụ Internet, phổ cập mạng di động... là một giải pháp thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao năng lực của người nghèo. Đây là một trong những điểm mới cốt lõi của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Kết quả giảm nghèo về thông tin sẽ góp phần thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong thực hiện Chương trình giảm nghèo, từ đó nâng cao tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc và coi đây là mũi đột phá trong phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.