Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách; Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành…
Theo Báo cáo của Chính phủ, việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Việc xây dựng, ban hành và chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến Nghị quyết 43/2022/QH15 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương chủ động, khẩn trương triển khai nghiêm túc, đúng thẩm quyền, đưa chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, đúng đối tượng, tránh trục lợi. Qua đó, đã góp phần không nhỏ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tạo nền tảng phát triển sau đại dịch Covid-19.
Về thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, việc triển khai các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ, tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định. Các cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép áp dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Tại Báo cáo, Chính phủ cũng nêu rõ một số hạn chế, tồn tại, nguyên nhân; đồng thời, xác định sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nội dung được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện, cố gắng giải ngân tối đa vốn Chương trình trong năm 2024.
Các Bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, báo cáo cấp có thẩm quyền hoặc xử lý theo thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, định mức dự toán, đơn giá, mỏ vật liệu xây dựng của một số dự án quan trọng quốc gia.
Qua thảo luận tại buổi làm việc, cơ bản thống nhất với nhận định trong báo cáo của Chính phủ, các thành viên Đoàn Giám sát cho rằng, trước tình hình đất nước vô cùng khó khăn, phức tạp do đại dịch Covid-19, việc ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 43 là một quyết sách đúng đắn, kịp thời, có nhiều đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết cho phép sử dụng một nguồn lực rất lớn với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch.
Tuy nhiên, các đại biểu chỉ rõ, trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả còn một số hạn chế, bất cập, cần giải pháp tháo gỡ nhằm thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết số 43 đặt ra.
Đồng thời lưu ý, Chính phủ cần rà soát, tổng hợp về những quy trình, thủ tục làm mất nhiều thời gian; quy định pháp luật chưa bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, minh bạch; những vấn đề chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh…
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng đại diện một số bộ, ngành đã giải trình những vấn đề thành viên Đoàn giám sát nêu ra.
Phát biểu ý kiến kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp đầy đủ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các vướng mắc trong triển khai các dự án quan trọng quốc gia, các dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi để xử lý theo thẩm quyền hoặc khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định nếu có nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Đoàn Giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Chính phủ rà soát lại bố cục, thông tin, số liệu, nhận định, đánh giá, nêu địa chỉ cụ thể, hoàn thiện các phụ lục, tránh để trùng lắp, không thống nhất trong từng báo cáo và giữa các báo cáo.
Đồng thời, hoàn thiện những đề xuất, kiến nghị của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết trong bối cảnh tình hình mới hiện nay gắn với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và chỉ đạo triển khai trong thời gian tới, gắn với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công năm 2024 và 2025, cũng như các năm tiếp theo.
Trên cơ sở kết quả làm việc, cùng với kết quả giám sát tại các địa phương, bộ, ngành, tổng hợp báo cáo của các địa phương, cơ quan, đơn vị, Đoàn Giám sát sẽ xây dựng Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.