Ông Đặng Quốc Hùng, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Lào Cai cho biết, thực hiện kế hoạch thanh kiểm tra định kỳ, vừa qua các cơ quan chuyên môn đã tiến hành kiểm tra 13 cơ sở sản xuất cá nước lạnh ở hai huyện Sa Pa và Bát Xát. Qua kiểm tra, lấy mẫu thì phát hiện cá nuôi của 12 cơ sở có dư lượng chất cấm.
“Theo các cơ sở, thì đây là một loại chất có trong thuốc trị bệnh cho cá, chúng tôi đã xử phạt theo quy định. Đến nay, đã có một số cơ sở chấp hành việc nộp phạt, với tổng số tiền đã nộp là 150 triệu đồng. Các cơ sở còn lại chúng tôi đã yêu cầu nghiêm túc chấp hành các quyết định xử phạt theo quy định”.
Đáng quan tâm là, qua tìm hiểu thực tế tại các cơ sở vi phạm, thì hầu hết các cơ sở này đều rất bất ngờ với kết quả mà cơ quan chức năng thông báo, bởi lâu nay họ vẫn tuân thủ quy trình nuôi cũng như nguồn thức ăn rồi thuốc chữa bệnh cho cá như vậy. “Chúng tôi bất ngờ khi nhận được kết quả xét nghiệm. Bởi từ trước đến nay loại thuốc dùng trị bệnh cho cá chúng tôi vẫn dùng và rất hiệu quả; cũng không thấy cơ quan chức năng nào khuyến cáo hay tuyên truyền gì cả. Qua vụ việc này chúng tôi sẽ tìm hiểu và sử dụng các loại thuốc an toàn hơn”, đại diện cơ sở nuôi cá trên địa bàn huyện Bát Xát cho biết.
Từ vấn đề nêu trên cho thấy, do đầu tư, phát triển nuôi cá nước lạnh tự phát nên kiến thức khoa học kỹ thuật của các hộ nuôi cá nước lạnh chưa được đào tạo bài bản. Nhiều hộ chăn nuôi tự phát không đăng ký kinh doanh, tự mày mò kỹ thuật, vì vậy trong quá trình nuôi bản thân họ đang vi phạm về các quy định VSATTP mà không hay.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, hiện nay tình hình vi phạm trong chăn nuôi cá nước lạnh vẫn hết sức phức tạp. Các cơ sở nuôi cá phát triển không tuân theo quy hoạch của tỉnh. Qua xét nghiệm mẫu thì cá bị nhiễm chất Green Malachite. Đây là 1 trong 24 chất cấm trong chăn nuôi thủy sản được quy định tại Thông tư số 10/2016 của Bộ NN-PTNT. Cụ thể là một chất có trong thuốc chữa bệnh nấm cho cá, nay đã bị cấm sử dụng. Qua kiểm tra, chính các cơ sở và người trực tiếp sử dụng thừa nhận, chỉ dùng theo thói quen và truyền nhau chứ không hề biết bị cấm.
“Sau khi sử dụng, Green Malachite hòa tan trong nước và ngấm vĩnh viễn vào thịt cá. Nếu các cơ sở sử dụng chung một nguồn nước, sản lượng cá bị nhiễm chất này sẽ rất lớn”, ông Tuấn giải thích.
Rõ ràng để xảy ra tình trạng cá có chất cấm như vừa qua, bên cạnh lỗi của các cơ sở, thì trách nhiệm của các ngành chức năng; nhất là ngành Nông nghiệp địa phương là không nhỏ. Bởi vì, với vai trò là cơ quan chuyên môn, thiết nghĩ ngành Nông nghiệp phải thường xuyên tổ chức tập huấn, cập nhật những quy định về VSATTP trong chăn nuôi cá nước lạnh tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân đã, đang và sẽ nuôi cá nắm bắt kịp thời.
Ngoài ra, tình trạng thiếu con giống và nguồn thức ăn cũng chưa chủ động được, bởi hiện nay toàn tỉnh Lào Cai có 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản nước lạnh, con giống chủ yếu được nhập trứng từ nước ngoài về ấp nở, số lượng không đủ cung ứng cho nhu cầu sản xuất của người dân. Nguồn thức ăn cho cá thì được các cơ sở chăn nuôi nhập từ nhiều nguồn khác nhau, rất khó kiểm soát về chất lượng cũng như độ an toàn VSTP.
Theo thống kê, toàn tỉnh Lào Cai đã có 96 cơ sở nuôi cá nước lạnh tập trung tại các huyện vùng cao có nguồn nước lạnh gồm Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Văn Bàn, tổng sản lượng ước đạt gần 500 tấn/năm (riêng huyện Sa Pa sản lượng đạt 340 tấn), giá trị kinh tế đạt 30-40 tỷ đồng/năm; đồng thời, giải quyết việc làm cho trên hàng trăm lao động địa phương. Cá hồi, cá tầm nước lạnh của tỉnh Lào Cai đã và đang là sản phẩm được du khách chọn mua khi tới thăm địa phương vì chất lượng cá thương phẩm không kém nhập khẩu từ nước ngoài; nhất là cá còn rất tươi vì trực tiếp đánh bắt trong bể nuôi giao thẳng cho khách.
Thiết nghĩ, các cơ quan, ban ngành liên quan của Lào Cai cần chung tay với doanh nghiệp, các cơ sở nuôi cá nước lạnh trên địa bàn trong việc quy hoạch vùng nuôi, hỗ trợ kỹ thuật, tháo gỡ những khó khăn... để sản phẩm cá tầm, cá hồi Lào Cai từng bước trở thành thương hiệu, mang lại thu nhập cho người dân vùng cao cũng như cung ứng cho thị trường những sản phẩm bảo đảm ATVSTP.
TRỌNG BẢO