Long không có bảng vàng thành tích trong học tập như nhiều bạn khác, 5 năm học tiểu học, Long chỉ có 3 năm đạt học sinh giỏi; từ năm lớp 6 đến lớp 11 đạt học sinh tiên tiến. Cuộc bứt phá bắt đầu từ năm em học lớp 8- Trường THCS Kim Tân (TP. Lào Cai), lần đầu tiên em đến với nghiên cứu khoa học. Dự án đầu tay đó có tên “Gậy tháo bóng đèn” được giải Nhì cấp tỉnh. Sau đó, Long thi đỗ vào Trường THPT số 1 TP. Lào Cai, tiếp tục với đam mê nghiên cứu khoa học.
Vũ Hoàng Long tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học bằng dự án “Găng tay đa năng dành cho người đi xe đạp”. Thế nhưng, dự án của em bị loại ngay từ vòng thi cấp trường. Không nhụt chí, Long tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, từ khi được thầy Vương Quang Trọng, giáo viên dìu dắt và hướng dẫn, em đã tự tin tham gia dự án “Xe thu gom rác thông minh” vào năm lớp 11 và được giải Nhất cấp tỉnh.
Theo thời gian, ý nghĩa của việc sáng tạo nghiên cứu khoa học của Long ngày càng mang tính xã hội, cộng đồng hơn. Long tâm sự: Trong một lần cùng bố mẹ vào thăm bác hàng xóm bị ốm tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thấy bác ấy vất vả cầm thìa xúc thức ăn nhưng cứ bị rơi vãi, về nhà em cứ suy nghĩ mãi. Rồi ý tưởng chế tạo ra một công cụ để giúp người bệnh thuận lợi trong sinh hoạt ngày càng lớn dần trong em…
“Đem câu chuyện của mình chia sẻ với thầy Vương Quang Trọng, sau đó xin thầy đề xuất với nhà trường cho đi học lập trình. Sau khi được nhà trường đồng ý và tạo điều kiện, em và thầy Trọng đã hình thành dự án có phiên bản đầu tiên là một rô bốt nặng 20kg, có hình dạng như một chiếc xe lăn, có thể đưa người bệnh lên giường, tích hợp cánh tay rô bốt để bón thức ăn cho người bệnh, sử dụng điều khiển công nghệ nhận diện giọng nói. Dự án “Rô bốt hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson” ra đời và giành giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh’, Long nhớ lại.
Sau cuộc thi cấp tỉnh, được Ban Giám khảo và các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành góp ý, Vũ Hoàng Long nhận thấy dự án của mình còn nhiều hạn chế, cồng kềnh, chưa có điểm sáng tạo, em lại tiếp tục nung nấu những ý tưởng để hoàn thiện dự án. Trong 8 tháng (từ tháng 5 đến tháng 12/2018) miệt mài nghiên cứu, chỉnh sửa, dự án rút gọn chỉ còn 1 chức năng là rô bốt bón thức ăn, nặng khoảng 3kg, được in 3D bao gồm, 1 cánh tay rô bốt 5 bậc tự do, có thể điều khiển bằng công nghệ xử lý ảnh. Mọi công sức đã được đền đáp khi Dự án “Rô bốt hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson sử dụng công nghệ xử lý ảnh” của Vũ Hoàng Long đã giành giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và được chọn đi thi quốc tế…
Niềm vui vỡ òa nhưng cũng là nỗi lo, áp lực vì Long chưa đi ra nước ngoài bao giờ. Khi biết được mình sẽ tham gia tranh tài cùng hơn 1.800 thí sinh của 80 quốc gia trên thế giới, ban đầu Long cũng cảm thấy lo lắng, bối rối… Nhưng với sự động viên của thầy cô, bạn bè và gia đình, em cũng phần nào tự tin.
“Khi sang đến Hoa Kỳ, nhìn thấy dự án của các bạn đến từ các quốc gia trên thế giới đều mang tầm cỡ, được đầu tư công phu, mang tính nhân văn, có ý nghĩa cộng đồng, lúc đấy em nghĩ dự án của mình khó có thể có giải… Thế nhưng, qua những ngày giao lưu, cọ xát trước khi vào thi đã thôi thúc em cố gắng, làm động lực quyết chí giành giải bằng sự tự tin khi trả lời và thuyết trình về dự án trước Hội đồng Giám khảo quốc tế”, Long kể lại.
Cùng so tài với hơn 1.000 dự án tham gia, chàng trai đến từ một tỉnh miền núi còn nhiều gian khó của Việt Nam đã tự tin giành chiến thắng, mang vinh quang về cho quê hương, đất nước... Và rồi niềm vui vỡ òa khi Ban Tổ chức xướng tên dự án của Long đạt giải Ba.
Hiện tại, Vũ Hoàng Long đang tiếp tục học tiếng Anh để thực hiện ước mơ được đi du học của mình, vì với em: “Dự định thì rất nhiều nhưng trước mắt em muốn được đi xa quê hương một thời gian, sang các nước tiên tiến có nền khoa học hiện đại, để học hỏi, nghiên cứu, trau dồi kiến thức, để sau này trở về có những dự án, sáng tạo giúp ích cho xã hội, cho đất nước mình được nhiều hơn...”.
THANH CƯỜNG