Tân Hưng (huyện Long Phú) là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, thời gian qua, với các chính sách ưu đãi của Nhà nước, đồng bào Khmer nơi đây đã xây dựng nhiều mô hình làm ăn hiệu quả và có thu nhập ổn định.
Để khuyến khích bà con Khmer mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế, trong những năm qua, Cấp ủy Đảng, chính quyền xã Tân Hưng đã chỉ đạo các tổ chức Hội, đoàn thể tích cực triển khai các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, vốn chính sách tín dụng ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, vận động đồng bào Khmer chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, loại bỏ phương thức canh tác, sản xuất lạc hậu và một số cây trồng năng suất kém…
Ông Kim Sái, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Ko Kô, cho biết: “Trước kia, cuộc sống người dân Khmer khó khăn, thiếu thốn, đến khi Nhà nước có nhiều chính sách, dự án hỗ trợ cho đồng bào dân tộc, cuộc sống người dân nơi đây tốt hơn rất nhiều, có điện thắp sáng, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đường sá được bê - tông, tráng nhựa... Đặc biệt, từ khi thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, các tuyến đường liên ấp, liên xã ngày càng được mở rộng. Trường học được xây dựng khang trang, có đầy đủ trang thiết bị để các cháu học hành tử tế. Người dân vô cùng phấn khởi”.
Bà con Khmer giờ đây không chỉ chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế mà còn đóng góp vì lợi ích của cộng đồng, nhất là hiến đất làm lộ, xây cầu, làm trụ điện, cột đèn…
Ông Lê Thanh Phương, Phó Chủ tịch huyện Long Phú cho biết, những tháng đầu năm, ngoài việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào Khmer như cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế, chi trả học bổng, tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vận động cất nhà tình thương, tặng nhu yếu phẩm, tạo mô hình sinh kế cho các hộ nghèo… Đến nay, hộ nghèo là đồng bào Khmer giảm còn 309 hộ (chiếm 3,90%), hộ cận nghèo giảm còn 458 hộ (chiếm 5,78%).
“Từ những chuyển biến rõ nét trong công tác giảm nghèo qua việc phát huy hiệu quả các chính sách đối với đồng bào DTTS đã tạo đà cho các xã khó khăn có đông đồng bào DTTS về đích nông thôn mới theo lộ trình đề ra của tỉnh; đồng thời tạo niềm tin của đồng bào đối với Đảng. Nhà nước ”, ông Phương nói.
Theo ông Thạch Hoàng Tha, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Long Phú: “Thực hiện các chương trình, dự án của Nhà nước đầu tư cho vùng DTTS và miền núi, Long Phú đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Cụ thể là 18 công trình giao thông nông thôn; 1 công trình giáo dục; 5 trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà sinh hoạt cộng đồng và 4 công trình phúc lợi xã hội khác”.