Với chủ đề “Đoàn kết, đổi mới phát triển toàn diện”, Đại hội đại biểu DTTS huyện Con Cuông đã tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong các lĩnh vực của đồng bào các dân tộc nơi đây. Con Cuông có 11 xã, 1 thị trấn (có 2 xã biên giới), 127 thôn bản với dân số 71.973 người gồm 9 dân tộc cùng sinh sống gồm các dân tộc Thái, Kinh, Đan Lai, Nùng, Tày, Hoa, Mông...
Là huyện miền núi còn khó khăn nên chính sách dân tộc đóng vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm, chất lượng cuộc sống đồng bào ngày càng được cải thiện và nâng cao, diện mạo bản làng có nhiều thay đổi. Với tổng kinh phí gần 430 tỷ đồng đầu tư thực hiện các chính sách dân tộc giai đoạn từ năm 2014 đến nay đã góp phần làm thay đổi kết cấu hạ tầng, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS ngày càng được nâng lên, các giá trị văn hóa, lịch sử ngày càng được duy trì và phát huy hiệu quả.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 năm đạt 7,25%, bình quân thu nhập đầu người năm 2018 đạt 22,16 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ năm 2014 là 32,1% xuống 20,24% năm 2018. Mặc dù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào các dân tộc đã không ngừng cố gắng thi đua lao động sản xuất. Trong phong trào phát triển kinh tế hiện nay đã có hơn 100 mô hình kinh tế tổng hợp có hiệu quả, trong đó có nhiều mô hình của đồng bào DTTS có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng trở lên.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đồng bào các DTTS đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự chủ, phát huy nội lực góp sức người, sức của cho cuộc vận động. Đến nay, huyện đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 4 xã đạt trên 10 tiêu chí… Mạng lưới trường lớp, các bậc học được duy trì tốt, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp các cấp bình quân đạt 99,4%, số học sinh đỗ vào đại học ngày càng tăng, trong đó có nhiều em là người DTTS.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa được chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 12.383/17.844 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 80 làng, bản, khối, xóm được công nhận làng văn hóa... Đại hội cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế đó là công tác xóa đói giảm nghèo chưa vững chắc, một số chính sách dân tộc thực hiện còn chậm chưa lấy người dân làm trọng tâm, nguồn kinh phí hỗ trợ sản xuất cho đồng bào DTTS còn hạn chế…
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An biểu dương những kết quả trong phát triển kinh tế-xã hội mà đồng bào các dân tộc của huyện Con Cuông đạt được trong thời gian qua. Huyện đã thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc nên tỷ lệ hộ nghèo được giảm theo từng năm, an sinh và sinh kế người dân được đảm bảo. Tuy nhiên thời gian tới, huyện Con Cuông vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Con Cuông cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục thực hiện các chính sách dân tộc một cách có chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đồng bào nắm bắt kịp thời các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, quan tâm đến việc phát huy các giá trị văn hóa và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Linh động trong chỉ đạo Nhân dân phát triển kinh tế để công tác giảm nghèo thực hiện có hiệu quả...
Đại hội đã bầu ra 25 đại biểu tiêu biểu, xuất sắc trong các lĩnh vực đại diện cho các dân tộc trên địa bàn huyện Con Cuông tham dự Đại hội Đại biểu DTTS tỉnh Nghệ An.
MINH THỨ