Trong dự thảo nêu rõ quy trình rà soát định kỳ hằng năm gồm 7 bước: Lập danh sách hộ gia đình cần rà soát; tổ chức rà soát, lập danh sách phân loại hộ gia đình; họp lấy ý kiến Nhân dân về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; niêm yết, thông báo công khai danh sách rà soát lần 3; báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện; phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và danh sách hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo; phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo ở cấp huyện và cấp tỉnh.
Thời gian rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm thực hiện từ ngày 1/9 đến hết ngày 15/12. Tuy nhiên, khi UBND cấp xã nhận được giấy đề nghị bổ sung vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc đề nghị thoát nghèo, thoát cận nghèo của hộ gia đình việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn được thực hiện.
Theo dự thảo, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổng hợp, có văn bản báo cáo kết quả phê duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo trên địa bàn cho chủ tịch UBND cấp huyện. Đặc biệt tại cấp tỉnh, căn cứ văn bản báo cáo của chủ tịch UBND cấp huyện về kết quả phê duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt kết quả chung trên toàn địa bàn và báo cáo Bộ LĐ-TB&XH.
Với những hộ gia đình có Giấy đề nghị bổ sung vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc Giấy đề nghị ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí của Bộ LĐ-TB&XH nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận Giấy đề nghị của hộ gia đình, Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã tổ chức rà soát, thẩm định theo quy định; xem xét, quyết định cấp Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc Giấy chứng nhận hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Trường hợp hộ gia đình không đủ điều kiện, Chủ tịch UBND cấp xã phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do./.