Bà Pi Năng Thị Thủy (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà (nay là Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo) tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Ninh Thuận lần thứ IVChúng tôi đến thăm tư gia bà Pi Năng Thị Thủy đúng dịp cả nước trọng thể kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Buổi trò chuyện đã cho chúng tôi cảm nhận được nỗ lực và tâm huyết của nữ cán bộ Pi Năng Thị Thủy, nguyên Trưởng Ban Dân tộc (nay là Sở Dân tộc và Tôn giáo) tỉnh Ninh Thuận.
Bà Thủy sinh năm 1969, tại vùng núi cao xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Sau ngày quê hương giải phóng năm 1975, đồng bào Raglay rời núi về định cư vùng đất bằng, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương, xã Phước Chiến dựng trường tranh tre, đón con em đồng bào tới lớp, với những thầy cô từ miền xuôi vượt rừng lên “gieo” chữ.
Được cha mẹ quan tâm việc học, bà Thủy theo học Trường Thanh niên Dân tộc tỉnh Thuận Hải, sống xa nhà từ nhỏ. Sau tốt nghiệp THCS, bà vừa tham gia Hội Phụ nữ huyện Ninh Sơn, vừa hoàn thành THPT; sau đó bà theo học ngành Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh (khóa 1998 - 2002).
Ghi nhận những đóng góp không mệt mỏi, bà đã được cấp trên trao tặng nhiều Bằng khen và Kỷ niệm chương cao quý. Trong đó, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” là phần thưởng đặc biệt ý nghĩa - đánh dấu một chặng đường cống hiến trọn vẹn của người phụ nữ Raglay đã dành trọn tâm huyết cho công tác dân tộc của Đảng.
Trước khi giữ cương vị Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, bà Pi Năng Thị Thủy đã có một chặng đường công tác đầy dấu ấn tại huyện Bác Ái - nơi bà làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND huyện trong 10 năm. Hình ảnh người phụ nữ đứng đầu chính quyền cấp huyện thường xuyên có mặt ở từng cánh đồng, từng xóm làng để chỉ đạo sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhà ở, đã trở nên quen thuộc, gần gũi với đồng bào vùng cao. Với phương châm “nói cho đồng bào hiểu, làm để đồng bào tin”, bà nỗ lực thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đồng bào Raglay từng bước tiếp cận và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bà Thủy chia sẻ: Dấu ấn sâu đậm nhất trong thời gian lãnh đạo chính quyền huyện Bác Ái là khi địa phương được đầu tư theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Nhờ có hệ thống thủy lợi hồ Sông Sắt, đồng ruộng được chủ động nguồn nước tưới tiêu. Trước đây bà con vẫn quen canh tác theo hình thức “gieo da beo”, bà đã chỉ đạo quyết liệt việc chuyển sang gieo trồng đúng lịch thời vụ, đồng thời đầu tư thâm canh, áp dụng kỹ thuật mới.
Những nỗ lực ấy đã giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất, từ chọc lỗ trỉa hạt sang cày đất trồng lúa nước theo phương thức gieo trồng đồng loạt. Nhờ đó, năng suất lúa tại Bác Ái từng bước được nâng lên, hiện đạt trung bình 50 - 60 tạ/ha/vụ.
Trong lĩnh vực xây dựng nhà ở, nhờ sự kết hợp giữa nguồn vốn từ Chương trình 30a và các gói vay ưu đãi, giúp hàng nghìn hộ gia đình xây dựng được nhà mới, ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp. Bà Thủy cũng đích thân đến các thôn, bản để vận động thanh niên Raglay tham gia xuất khẩu lao động, mở ra hướng đi mới giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững...
Bà Pi Năng Thị Thủy sau khi nghỉ hưu tại nhà riêng ở phường Phủ Hà, TP. Phan Rang - Tháp ChàmCuối năm 2014, bà Pi Năng Thị Thủy được cấp trên điều động về công tác tại Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận và trở thành nữ Trưởng Ban Dân tộc đầu tiên của tỉnh. Trên cương vị mới, bà tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm và năng lực điều hành trong việc tham mưu, triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc.
Trên cương vị Trưởng Ban Dân tộc tỉnh và Đại biểu HĐND tỉnh Ninh Thuận, bà Pi Năng Thị Thủy đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các dự án thành phần trong Chương trình, như đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo tồn văn hóa, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh kế, đã từng bước phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống đồng bào các dân tộc, giúp hàng ngàn gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.